Các tỉnh thành rà soát dự án bất động sản chậm triển khai

Theo dự thảo nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển, trong đó có việc lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản để đánh giá cụ thể nguyên nhân vì sao các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai.

Theo dự thảo nghị quyết tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hôm 17/2, một trong những biện pháp được nêu ra tăng nguồn cung cho thị trường thông qua cải cách, tạo điều kiện trong giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư các dự án bất động sản.

Tập trung gỡ vướng về pháp lý

Theo dự thảo đang được lấy ý kiến, liên quan đến các việc tổ chức thực thi pháp luật của các địa phương, Chính phủ yêu cầu khẩn trương rà soát, lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn để đánh giá cụ thể nguyên nhân, lý do các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Từ đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư cho các dự án.

Khẩn trương lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 05 năm và hàng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở, tăng nguồn cung cho thị trường.

go-vuong-du-an-pld-1677054350.jpg
Trong dự thảo, Chính phủ yêu cầu tập trung tháo gỡ khó khăn vướng về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư cho các dự án.

Đồng thời, tăng cường thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; lựa chọn chủ đầu tư nhất là việc xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, cho thuê đất thực hiện dự án để tăng nguồn cung cho thị trường.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thủ tục hành chính liên thông, thủ tục hành chính điện tử cấp độ 4 để giải quyết nhanh các thủ tục triển khai dự án bất động sản trên địa bàn.

Khẩn trương hoàn thành việc rà soát thủ tục pháp lý các dự án bất động sản và việc ban hành kết luận kết quả rà soát pháp lý các dự án làm cơ sở để các dự án tiếp tục triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng tiếp theo theo quy định.

Chỉnh phủ cũng giao các địa phương chủ động tiếp xúc, làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư để lắng nghe các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp, dự án bất động sản đang gặp phải để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền.

Tạo điều kiện để kênh trái phiếu phục hồi, phát triển

Chính phủ cũng cho rằng kênh huy động vốn từ trái phiếu cũng cần được kiểm soát tránh đầu cơ, thao túng, thổi giá, nhưng vẫn phải đảm bảo tạo điều kiện, không cản trở doanh nghiệp có đủ năng lực, kinh doanh tốt, lành mạnh có thể huy động vốn để phục hồi, phát triển.

Theo dự thảo, Bộ Tài chính được giao rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong đó có nhóm doanh nghiệp bất động sản, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2022 và năm 2023;

Trường hợp có khó khăn, doanh nghiệp bất động sản đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu lại lãi suất, thời hạn thanh toán, các điều kiện chi trả, thanh toán. Việc này phải phù hợp với tình hình thực tế, theo tinh thần "lợi ích hài hòa, khó khăn chia sẻ" và theo đúng quy định pháp luật; nghiên cứu phương thức doanh nghiệp bất động sản đàm phán, hoán đổi nợ trái phiếu bằng tài sản, bất động sản.

Đồng thời chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giám sát chặt thị trường chứng khoán phái sinh, chuẩn bị nền tảng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm phát triển thị trường thứ cấp.

Bên cạnh đó, nhằm tháo gỡ khó khăn về suy giảm niềm tin của nhà đầu tư, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh công bố, công khai, minh bạch thông tin, bên cạnh tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các hành vi đưa thông tin không chính xác.