Sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội đã giúp cho người sử dụng tiếp nhận được nhiều thông tin, hình ảnh với tốc độ cực nhanh. Người dùng mạng xã hội từ đó cũng trở thành những sáng tạo nội dung thông qua hình ảnh, video hay kể cả dững dòng trạng thái đầy thú vị.
Với những nội dung mà Content Creator tạo ra trên mạng xã hội, họ thu về lượng followers, tương tác hay người hâm mộ trung thành. Mạng xã hội cũng là nơi người dùng được quyền bộc lộ chính kiến, quan điểm và thảo luận đa chiều về nhiều vấn đề xã hội.
Từ đó, việc đam mê sự nổi tiếng, một số nhà sáng tạo nội dung đã cố tình tạo Content tranh cãi thu hút sự chú ý của dư luận dẫn đến nhiều tai tiếng không đáng có. Ngoài ra, việc dựa vào chuyện tự do ngôn lựa mà các Content Creator đưa ra những quan điểm sai lệch và thoải mái phát ngôn vượt quá giới hạn.
Phá đảo thế giới ảo đến làm loạn loạt quán ăn
Gần đây nhất, có thể kể đến “chiến thần review” Võ Hà Linhnổi tiếng với các video review mỹ phẩm, đồ ăn, cô sở hữu 3,6 triệu lượt theo dõi trên nền tảng TikTok. Xây dựng hình ảnh là một Reviewer uy tín, khen chê thẳng thắn nên Võ Hà Linh thu hút lượng lớn tương tác và người hâm mộ. Đặc biệt, Hà Linh có rất nhiều clip review thu hút hàng triệu lượt xem nhờ vào việc nhận xét, chê bai các thương hiệu mỹ phẩm kém chất lượng hay các quán ăn uống mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Thế nhưng, gần đây Võ Hà Linh lại “mất điểm” trong lòng người hâm mộ khi review các quán ăn với thái độ chảnh choẹ, cao thượng. Ngoài ra, những biểu cảm gương mặt thái quá của nàng khiến cộng đồng mạng khó chịu.
Nhiều người cho rằng, đánh giá của Hà Linh quá phiến diện, thiên kiến và cũng không có đủ hiểu biết về những món ăn, hàng quán mà mình đến review. Trước làn sóng chỉ trích, Hà Linh đã chính thức xin lỗi, tuyên bố dừng review hàng quán. “Việc review quán ăn là hoàn toàn sai, vì ngon hay dở là tùy vào khẩu vị của mỗi người, mỗi vùng miền. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các hàng quán” - Võ Hà Linh thừa nhận.
Đây không phải lần đầu tiên TikToker gây tranh cãi khi trải nghiệm và đánh giá chất lượng quán ăn, nhà hàng.
Trước đó, Nờ Ô Nô cũng là “khắc tinh” và trở thành nổi ám ảnh của nhiều hàng quán vì những ngôn từ đánh giá thô tục, phản cảm. Sau đó, chàng TikToker đã bị khoá tài khoản vĩnh viễn vì có lời nói đụng chạm, miệt thị người khó khăn.
Cộng đồng mạng từng chứng kiến những màn đối đầu gay gắt giữa hàng quán với các TikToker tự gắn mác “Chiến thần review”, “Thánh ăn”, “Reviewer xéo xắt” dùng việc nói xấu, bóc phốt hàng quán nhằm thu hút sự chú ý. Họ tự cho mình quyền phán xét tất cả, buộc người dùng mạng xã hội nghe theo lời khen - chê ầm ĩ trong những đoạn clip trên mạng xã hội.
Đáng nói hơn, nhiều hành vi cho thấy các TikToker cố tình review “bôi bẩn” để tấn công vào uy tín, thương hiệu của các đơn vị kinh doanh ẩm thực. Thậm chí, có những nơi đã treo ảnh “cấm cửa”, miễn phục vụ khi những người này đặt chân đến quán.
Bằng sự nổi tiếng của chính mình, họ sẵn sàng bóc phốt, dìm hàng hạ bệ người khác để lôi kéo cộng đồng mạng vào những trận chiến trên mạng xã hội. Thậm chí, họ lạm dụng quyền “tự do ngôn luận” để hạ bệ các nhãn hàng, sản phẩm mà các Reviewer không yêu thích để buộc người xem nghe theo và tạo nên những làn sóng tẩy chay. Có thể, thế hệ TikToker hiện tại đã tự cho mình một “quyền lực” trên mạng xã hội và muốn “ra tay” tiêu diệt những điều mà họ cho rằng là xấu xa, sai trái.
“Thánh chửi” xuất hiện trên khắp cõi mạng, nhận booking với thái độ “trên trời”
Những năm gần đây, không chỉ Reviewer nổi lên như “diều gặp gió” mà các “thánh chửi”, “giang hồ mạng” cũng xuất hiện với tần suất dày đặc. Họ tự cho mình quyền được miệt thị, chửi bới bất kỳ ai và đó là biểu hiện của “ảo tưởng quyền lực”.
Sau khi thu hút được một lượng theo dõi nhất định, các TikToker này sẽ kinh doanh, bán hàng online để thu lợi nhuận và nhận booking quảng cáo. Thế nhưng, một số TikToker cho rằng việc nhận quảng cáo với mức giá phù hợp với công sức của họ bỏ ra để xây dựng kênh. Và họ cũng tự cho mình quyền bày tỏ cảm xúc cá nhân, khinh bỉ những nhãn hàng muốn thuê TikToker về đánh giá sản phẩm, PR nhưng với kinh phí thấp.
Chẳng hạn, Võ Thành Ý với 12 triệu người theo dõi bị cộng đồng mạng “quay lưng” vì chê một nhãn hàng bỏ 3-4 triệu đồng để thuê anh quảng cáo sản phẩm. Trên trang cá nhân, anh bày tỏ sự tức giận: “Kênh TikTok 12 triệu người theo dõi đi trả giá quay 3-4 triệu/ clip thì tốt nhất mình lấy 3-4 triệu đó về mua đồ nướng ăn xong ngủ mơ giúp em”. Cộng đồng mạng cho rằng, có thể mức giá này không xứng đáng với chất xám do anh đầu tư vào các đoạn clip nhưng cũng không được phép chảnh chọe, chê bai nhãn hàng với thái độ ngạo nghễ đến thế.
Nhiều nhà sáng tạo nội dung đang đi chệch hướng, làm những nội dung bẩn, câu view. Cơ bản, khán giả cần sự giải trí và những thông điệp hữu ích, tích cực được lan truyền trên mạng xã hội thay vì những trận chiến căng thẳng, drama đấu tố nhau trên mạng xã hội.
TikToker hay KOL, KOC cũng không nên cho phép bản thân có những phát ngôn thẳng thắn. Bởi lẽ, đôi khi một giây vạ miệng có thể đạp đổ tất cả hình tượng đã mất nhiều năm xây dựng. Giờ đây, cộng đồng mạng cũng đủ tỉnh táo, nhận biết được đúng - sai, trái - phải, nên đừng thực hiện Content định hướng cộng đồng hay có những phát ngôn thiếu hiểu biết.