“Đại gia” Trầm Bê & những sóng gió cuộc đời

Từng là một vị doanh nhân lừng lẫy thương trường Việt, tuy nhiên, những sai phạm trong lĩnh vực tài chính đã khiến “đại gia” Trầm Bê phải vướng cảnh lao lý.

Giờ đây, khi ra tù, ông Bê tiếp tục trở lại thương trường với nhiều dự định…

Năm 2017, thông tin “đại gia” Trầm Bê bị bắt giữ đã thu hút nhiều người quan tâm đặc biệt. Có thể nói, những câu chuyện liên quan đến vị “đại gia” này đã không ít lần gây “bão” dư luận như vụ Bình “kiểm” bắt cóc quý tử của ông, đòi chuộc 10 triệu USD, rồi lùm xùm vụ mất 2 chiếc sừng tê giác… hay chuyện ông xây chùa ghi tên mình ngay trên cổng…

tu-ong-trum-buon-go-pld-1695479798.jpg

Từ “ông trùm” buôn gỗ

Có ảnh hưởng lớn trong giới ngân hàng và làm giàu với bất động sản, nhưng thực tế khi khởi nghiệp, ông Trầm Bê lại chọn lâm sản. Lớn lên là anh cả trong một gia đình nghèo có 4 anh em tại Trà Vinh, ông Trầm Bê gặt hái thành công đầu tiên từ Công ty Chế biến lâm sản Đông Anh.

Sau 10 năm gắn bó với ngành kinh doanh gỗ, Trầm Bê bắt tay vào đầu tư ngành địa ốc bằng việc góp 13% vốn vào công ty cổ phần đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCCI), với chức vụ thành viên HĐQT (1999). Vào thị trường đúng thời điểm bùng nổ, với 10 năm kinh nghiệm, công ty của ông Trầm Bê đạt mức tăng trưởng tới 36% trong năm tài chính 2009-2010, dù giới buôn bất động sản khi đó “lên bờ, xuống ruộng”.

Ngoài bất động sản, vị doanh nhân này còn sở hữu một trong những bệnh viên đa khoa có quy mô lớn nhất cả nước (bệnh viện Triều An) và Công ty chế biến Thủy hải sản Sơn Sơn. Với Sơn Sơn, ông Trầm Bê đã từng tạo nên thế độc quyền trên thị trường nhờ công nghệ chiếu xạ thanh long trong suốt thời gian từ năm 2002-2009. Sau này, ông còn giữ cổ phần chi phối tại Công ty Xây dựng Hàm Giang, đơn vị từng bỏ ra tới 60 triệu USD để mua lại khu trung tâm thương mại châu Á lớn nhất tại Mỹ, là Cupertino Square (San Jose, California).

Đến “trùm tài phiệt” ngân hàng

Song tài chính – ngân hàng mới là nơi đưa tên tuổi ông bay xa nhưng cũng chấm hết cuộc chiến trên thương trường sóng gió. Năm 2004, Trầm Bê tham gia đầu tư và trở thành thành viên Hội đồng Quản trị của Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank). Năm 2008, SouthernBank cho ra đời Công ty Vàng bạc đá quý Phương Nam (NJC) vào năm 2007 và Công ty chứng khoán Phương Nam (PNS).

Cũng từ mốc thời gian này, “đế chế” Trầm Bê tại Sacombank cũng được xác lập. Gọi là “đế chế” Trầm Bê là bởi sau khi ông Thành và con trai rút khỏi Sacombank, trong cơ cấu 8 thành viên còn lại của HĐQT Sacombank thì có đến 4 người đều xuất thân từ Southern Bank.

Trong thời gian 2,5 năm (từ tháng 12/2012 đến tháng 6/2015), dưới “đế chế” Trầm Bê, nếu so sánh các chỉ số tài chính thì “sức khỏe” của Sacombank có vẻ tương đối khả quan. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2015, Sacombank báo lãi ròng 1.180 tỷ đồng.

Đặc biệt, nếu xét tỷ lệ nợ xấu thì tại ngày 31/12/2012, giá trị nợ xấu của Sacombank là 1.610 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu 1,46%. Tuy nhiên, đến ngày 30/6/2015, giá trị nợ xấu của Sacombank dù là 1.698 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ nợ xấu giảm về chỉ còn 1,21%.

Và mặc dù sở hữu bệnh viện, công ty chứng khoán, ngân hàng,… tài sản của gia đình ông Trầm Bê có thời điểm lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng. Song những lùm xùm thương vụ sáp nhập của Sacombank khiến ông Trầm Bê và con trai phải dứt áo ra đi sau lá đơn xin từ nhiệm ngày 24/2/2017. Ông Trầm Bê đã chính thức bị khởi tố vào chiều 1/8/2017 do có những sai phạm liên quan trong đại án Phạm Công Danh.

ong-tram-be-la-thanh-vien-hdqt-benh-vien-trieu-an-pld-1695479798.jpg
Ông Trầm Bê là thành viên HĐQT Bệnh viện Triều An nhiệm kỳ 2022 – 2027

Trở lại thương trường sau “sóng gió”

Sau thời gian vướng cảnh lao lý, giờ đây, khi ra tù, ông Bê tiếp tục trở lại thương trường khi tham gia vào HĐQT của Bệnh viện Triều An. Mới đây, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Công ty CP Bệnh viện đa khoa tư nhân Triều An (Bệnh viện Triều An) đã bầu ông Trầm Bê làm thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 – 2027 với tỷ lệ tán thành gần 99%.

Bệnh viện Triều An được ông Trầm Bê cùng các cổ đông khác góp vốn xây dựng năm 2001. Tổng vốn điều lệ là khoảng 490 tỷ đồng. Bệnh viện được xây dựng trên tổng diện tích xây dựng 21.600m² và là bệnh viện tư nhân đầu tiên được Bộ Y Tế công nhận “đa chuyên khoa sâu” và có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Báo cáo tài chính của Bệnh viện Triều An từ năm 2019 đã không còn ghi nhận tên ông Trầm Bê trong danh sách Hội đồng quản trị do đây là thời gian ông Trầm Bê chấp hành bản án tù, tuy nhiên những người thân của ông vẫn nắm giữ những vị trí cao ở bệnh viện.

Cụ thể, con gái ông – bà Trầm Thuyết Kiều vẫn đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc công ty và nắm giữ 21,4% vốn cổ phần; ông Trầm Sê – anh trai ông Trầm Bê – đảm nhiệm vị trí Trưởng Ban Kiểm soát và chị vợ ông Trầm Bê là bà Viên Tú Anh nắm 3,44% vốn.

Về kết quả kinh doanh của Bệnh viện Triều An, năm 2022, bệnh viện Triều An ghi nhận doanh thu đạt 591 tỷ đồng và lãi sau thuế 40,99 tỷ đồng. Năm nay, Bệnh viện Triều An đặt mục tiêu doanh thu đạt 628 tỷ đồng và 47,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 6% và 15% so với năm ngoái.