Dân thiếu đất sản xuất, doanh nghiệp lại bỏ hoang đất

12/09/2023 00:38

Theo dõi trên

Thực hiện chính sách hỗ trợ di dân tái định cư theo Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2007-2010, năm 2011, hơn 70 hộ dân ở thôn Làng Lao, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đã được chuyển xuống định cư tại thôn Táng Khờ 1 và Táng Khờ 2, xã Cát Thịnh.

Tuy nhiên, từ khi chuyển xuống nơi ở mới, 100% hộ dân vẫn phải quay trở lại nơi ở cũ để canh tác, sản xuất do nơi ở mới không có đất sản xuất. Trong khi đó, Công ty TNHH Một thành viên Giấy miền Bắc lại đang bỏ hoang hơn 900ha đất tại đây.

Cách trung tâm xã Cát Thịnh 35km, thôn Làng Lao nằm giáp ranh với huyện Phù Yên (Sơn La) và huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Đường đi đến thôn rất khó khăn, nhiều đoạn phải vượt qua lớp đá tai mèo sắc nhọn... Vì vậy, cuộc sống người dân nơi đây còn rất nhiều khó khăn. Năm 2011, hơn 460 nhân khẩu (hơn 70 hộ dân) của thôn Làng Lao được chuyển xuống thấp, thành lập thôn mới cách trung tâm xã Cát Thịnh gần 7km. Chính sách đưa các hộ dân ở Làng Lao xuống thấp, định cư là một chính sách đúng và nhân văn. Tuy nhiên, dù đã được chuyển xuống thấp để ổn định, phát triển kinh tế nhưng các hộ dân này (hiện đang ở hai thôn mới là Táng Khờ 1 và Táng Khờ 2) vẫn phải quay trở lại nơi ở cũ để canh tác, nuôi, trồng do nơi ở mới không có đất sản xuất.

nguoi-dan-khong-co-dat-san-xuat-ben-canh-dat-bo-hoang-cua-doanh-nghiep-pld-1694453771.jpg
Người dân không có đất sản xuất bên cạnh đất bỏ hoang của doanh nghiệp.

Được biết, năm 2010, UBND tỉnh Yên Bái ban hành Quyết định số 2007/QĐ-UBND ngày 1-12-2010 về việc thu hồi đất chưa sử dụng do UBND xã Cát Thịnh đang quản lý tại thôn Pín Pé và thôn Làng Lao, cho Công ty Cổ phần Xây dựng Minh Tiến Phú Thọ thuê đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích trồng rừng kinh tế theo dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt với diện tích 9.059.273,6m2 (hơn 900ha). Sau đó, do không triển khai trồng rừng, Công ty Cổ phần Xây dựng Minh Tiến Phú Thọ tự nguyện trả lại đất. Trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ngày 13-6-2014, UBND tỉnh Yên Bái đã có Quyết định số 859/QĐ-UBND về việc thu hồi đất rừng sản xuất do Công ty Cổ phần Xây dựng Minh Tiến Phú Thọ đang sử dụng tại xã Cát Thịnh cho Công ty TNHH Một thành viên Giấy miền Bắc thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để sử dụng vào mục đích trồng rừng kinh tế.

Tuy nhiên, kể từ khi nhận bàn giao đất đến nay, Công ty TNHH Một thành viên Giấy miền Bắc không triển khai trồng rừng đúng theo mục đích, tiến độ. Phần đất vẫn để trống, chưa được trồng rừng có diện tích rất lớn. Rất nhiều khu vực, địa điểm là rừng tự nhiên không được chăm sóc, bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật. Trong khi đó, 100% người dân thôn Làng Lao là người dân tộc thiểu số, sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, làm nghề trồng trọt, cuộc sống chủ yếu là dựa vào rừng nhưng đang rất thiếu đất canh tác và cũng không được hưởng lợi từ việc bảo vệ, phát triển rừng theo quy định của pháp luật.

Ông Sùng A Cờ, Bí thư Chi bộ thôn Táng Khờ 1 cho biết: “Từ chỗ ở mới quay về chỗ ở cũ không thể đi xe máy, ngựa cũng không thể đi nổi, người dân phải đi bộ hơn 2 tiếng đồng hồ. Vậy mà, ngày nào chúng tôi cũng phải quay trở lại thôn Làng Lao để canh tác, sản xuất. Người dân nuôi được con trâu, con bò, trồng được ít gỗ muốn bán, vận chuyển xuống vô cùng vất vả. Nhìn thấy đất bỏ hoang hóa, lãng phí ngay bên cạnh nhà mà không được sử dụng thì tiếc lắm, nhưng nếu mình trồng cây là sai vì đây vẫn là đất của doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn chính quyền thu hồi diện tích đất hoang hóa nói trên để giao cho dân sản xuất, phát triển cây lâm nghiệp”.

Dự án trồng rừng không được triển khai có phần trách nhiệm không nhỏ của một số cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Yên Bái khi đánh giá, thẩm định còn chủ quan, không sát thực tế. Các cơ quan quản lý chưa ban hành quy chế về giao đất trồng rừng cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của UBND tỉnh, vì vậy, không phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các đơn vị liên quan. Doanh nghiệp không có năng lực, thiếu ý thức chấp hành pháp luật dù đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Tiến Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Cát Thịnh cho biết: “Có thể khẳng định, chủ trương thu hút doanh nghiệp đầu tư trồng rừng của tỉnh Yên Bái là đúng đắn. Tuy nhiên, theo chúng tôi đánh giá, doanh nghiệp này chỉ muốn giữ đất chứ không muốn trồng rừng. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị, ý kiến để UBND tỉnh thu hồi đất. Diện tích nào là rừng tự nhiên thì thu hồi, giao cho UBND xã Cát Thịnh để xã xây dựng phương án bảo vệ rừng bền vững, từ đó giao cho cá nhân, hộ gia đình tại địa phương bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật. Phần diện tích đất nào chưa được trồng rừng theo đúng mục tiêu của dự án thì thu hồi, giao lại cho người dân ở địa phương canh tác, tránh để đất hoang hóa, giúp người dân cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo”.

Bạn đang đọc bài viết "Dân thiếu đất sản xuất, doanh nghiệp lại bỏ hoang đất" tại chuyên mục Địa ốc. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com