#kỷ nguyên mới

Để môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng từ hóa đơn điện tử

Việc các đơn vị không xuất hóa đơn tạo ra sự bất bình đẳng trong giao dịch kinh doanh, bởi đơn vị tuân thủ thực hiện sẽ thêm gánh nặng chi phí và mất lợi thế cạnh tranh với đơn vị cố tình né tránh…

Đây là chia sẻ của luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc điều hành Công ty Luật EMME xung quanh quy định yêu cầu bắt buộc phải xuất hóa đơn điện tử trong các giao dịch kinh doanh. Theo luật sư Tuấn, dù đã có quy định mọi tổ chức, cá nhân khi bán hàng hóa, dịch vụ đều phải xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng, nhưng thực tế khá nhiều nhà hàng, khách sạn hiện nay không thực hiện, điều này tiềm ẩn nguy cơ thất thu thuế. Đặc biệt, nhiều cơ sở kinh doanh không thực hiện hóa đơn điện tử dù đã có quy định áp dụng từ ngày 1/7/2022.

de-moi-truong-kinh-doanh-minh-bach-cong-bang-tu-hoa-don-dien-tu-1-1702388375.jpg

Việc sử dụng HĐĐT được áp dụng từ thời điểm 1/7/2022 và đến nay đã thực hiện thống nhất trên cả nước. Ảnh minh họa.

Liên quan tới vấn đề này, mới đây Bộ Tài chính cũng cho biết, hiện nay theo quy định tại Điều 90 Luật Quản lý thuế số 38 ngày 13/6/2019 của Quốc hội thì toàn bộ tổ chức, cá nhân khi bán hàng hóa, dịch vụ đều phải xuất hóa đơn điện tử (HĐĐT) không phân biệt giá trị từng lần. Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập HĐĐT để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Căn cứ quy định nêu trên, việc sử dụng HĐĐT được áp dụng từ thời điểm 1/7/2022 và đến nay đã thực hiện thống nhất trên cả nước.

Để khắc phục hiện tượng người bán hàng không xuất hóa đơn cho khách hàng khi mua hàng hoá, dịch vụ và người mua hàng không lấy hoá đơn khi mua hàng hoá, dịch vụ, trong thời gian qua Bộ Tài chính (ngành thuế) đã thực hiện nhiều giải pháp. Hiện ngành thuế đang triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền áp dụng cho các cơ sở kinh doanh thuộc lĩnh vực bán lẻ đến người tiêu dùng (ăn uống, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ khác…). Hình thức hoá đơn này góp phần tối ưu chi phí hoá đơn, dễ dàng quản lý, sử dụng đối với mô hình kinh doanh cần xuất hoá đơn thường xuyên, liên tục, 24/7. Qua đó góp phần nâng cao khả năng quản lý thuế.

Bình luận về nội dung này, chuyên gia về thuế, luật sư Trần Xoa cho biết, quy định hiện hành cho phép tổ chức, cá nhân lựa chọn hình thức xuất hóa đơn điện tử thông thường hay hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính. Vì vậy để yêu cầu các đơn vị phải thực hiện xuất hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính thì phải có quy định mới theo hướng bắt buộc áp dụng chung trên cả nước. Như vậy, việc người mua có lấy hóa đơn hay không là một chuyện nhưng người bán hàng hóa, dịch vụ phải có nghĩa vụ xuất hóa đơn.

“Đây là giải pháp để quản lý thuế của nhà nước. Tuy nhiên, thực tế đều có những trường hợp cố tình lách, né thuế nên không thực hiện quy định trên. Ngành thuế sẽ tiếp tục khó khăn khi chạy theo sau các cơ sở kinh doanh”, vị chuyên gia nói.

Chính vì vậy, chuyên gia này đề xuất nên tập trung có thêm các giải pháp khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi đi nhà hàng, khách sạn. Ví dụ, cần tăng thêm giải thưởng và hằng tuần thực hiện quay số trúng thưởng cho chương trình “Hóa đơn may mắn” hiện nay. Đồng thời chương trình này có thể khoanh vùng phạm vi nhỏ hơn theo từng tỉnh, thành phố để tỷ lệ, xác suất trúng thưởng cao hơn, thu hút được nhiều người tiêu dùng quan tâm hơn.

Người mua hàng hóa sẽ chú ý đến việc lấy hóa đơn khi ăn uống, mua sắm nhiều hơn. Điều đó sẽ gây áp lực ngược lại với các chủ nhà hàng, khách sạn… mà không cần cơ quan thuế phải mất nhiều công sức để kiểm tra, giám sát.

“Ở nhiều nước áp dụng chính sách cho phép người tiêu dùng được khấu trừ các loại chi phí hợp lý, hợp lệ trước khi tính thuế thu nhập cá nhân, tương tự như thuế thu nhập doanh nghiệp. Việt Nam cũng nên xem xét hướng đến chính sách này. Khi đó, tự động người tiêu dùng sẽ lấy hóa đơn các chi phí nên mọi cơ sở bán lẻ cũng sẽ đáp ứng nhu cầu cho khách hàng. Bởi nếu không có hóa đơn thì chính người tiêu dùng sẽ tẩy chay điểm bán này”, Luật sư Trần Xoa chia sẻ.

de-moi-truong-kinh-doanh-minh-bach-cong-bang-tu-hoa-don-dien-tu-2-1702388375.jpg

Chuyên gia đề xuất nên tập trung có thêm các giải pháp khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn khi đi nhà hàng, khách sạn. Ảnh minh họa

Đồng quan điểm, luật sư Tạ Anh Tuấn – Giám đốc điều hành công ty Luật EMME cho biết, thực tiễn cho thấy nhiều nhà hàng, cửa hàng thường không xuất hóa đơn khi bán lẻ. Điều này tạo ra sự bất bình đẳng trong giao dịch kinh doanh, khi có đơn vị tuân thủ nghiêm túc việc xuất hóa đơn, có đơn vị thì không. Các đơn vị tuân thủ nghiêm túc việc xuất hóa đơn cho khách hàng thì có thêm gánh nặng chi phí và đánh mất lợi thế cạnh tranh. Do đó, việc triển khai hóa đơn điện tử không chỉ là một biện pháp hữu ích trong việc ngăn chặn tình trạng không xuất hóa đơn mà còn là một bước tiến quan trọng hướng tới tính minh bạch và công bằng trong hệ thống thuế.

Để ngăn chặn tình trạng giấu doanh thu và giảm số thuế phải nộp ở các đơn vị bán lẻ, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, luật sư Tạ Anh Tuấn cho rằng, có thể xem xét một số giải pháp như khuyến khích và dần đi đến việc bắt buộc sử dụng thanh toán điện tử để giảm tiền mặt và tăng khả năng theo dõi giao dịch.

“Ngành thuế có thể triển khai đồng bộ hệ thống sử dụng và báo cáo hóa đơn điện tử, liên kết và báo cáo online đối với các đơn vị bán lẻ; tổ chức các đợt kiểm tra, thanh tra thuế, bảo đảm việc tuân thủ của cả cơ quan thuế và các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ”, vị luật sư kiến nghị.