Giới hạn trích dẫn và sao chép hợp lý?

Thanh An

30/12/2021 17:22

Theo dõi trên

Việc đưa ra các quy tắc chung về trích dẫn, sao chép tác phẩm có thể là một giải pháp hiệu quả giúp giảm bớt tình trạng “muôn hình muôn vẻ” trong xử lý vi phạm về sao chép và trích dẫn ở các trường đại học, góp phần nâng cao chất lượng học tập và nghiên cứu ở Việt Nam.

Lạm dụng quyền sao chép và trích dẫn

Khi trường ĐH Luật TP. HCM đưa ra quyết định đình chỉ học tập một năm đối với một nữ sinh viên do photo tám cuốn giáo trình vào năm 2017, không ít người bất ngờ và phản đối, bởi từ trước đến nay, đây là việc quá phổ biến và “bình thường” ở các trường đại học tại Việt Nam. Dù nhà trường đã giảm mức kỷ luật xuống còn cảnh cáo sau nhiều tranh cãi xoay quanh, vụ việc cũng là một trong những tín hiệu cảnh báo về tình trạng vi phạm trong sao chép tác phẩm tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam trong những năm gần đây.

c1-1640832738.jpg

Kiểm soát tình trạng sao chép, trích dẫn không hợp lý là một trong những vấn đề nan giải của các trường đại học ở Việt Nam. Ảnh: Hướng dẫn sử dụng phần mềm kiểm tra đạo văn Turnitin ở trường ĐH Kinh tế TP. HCM.

Nguồn: giaoduc.edu.vn

Sao chép và trích dẫn là một trong những hành vi phổ biến nhất trong học tập và nghiên cứu. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động này, tương tự như các nước trên thế giới, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam hiện nay quy định việc sao chép và trích dẫn tác phẩm hợp lý trong nghiên cứu và giảng dạy thuộc các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố mà không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao. Cụ thể, sinh viên hoặc giảng viên có thể sao chép một bản tác phẩm để nghiên cứu khoa học, giảng dạy cá nhân, trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa cho bài viết của mình. “Môi trường giáo dục là nơi các hành vi sử dụng tự do tác phẩm diễn ra nhiều nhất, cũng là nơi cần tuân thủ nghiêm ngặt nhất về bản quyền, vì trường học là biểu hiện cho văn hóa học thuật, liêm chính và đạo đức trong nghiên cứu, học tập”, PGS.TS Vũ Thị Hồng Yến, Trưởng khoa Luật, trường ĐH Sài Gòn nhận xét trong hội thảo trực tuyến “Quyền sử dụng tự do tác phẩm qua hành vi sao chép, trích dẫn trong pháp luật về quyền tác giả từ thực tiễn các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam” do trường ĐH Luật TP. HCM tổ chức vào ngày 19/12 vừa qua.

Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sao chép và trích dẫn tác phẩm hợp lý. Thực tế “hiện nay rất nhiều học viên và giảng viên chưa nắm rõ quy định pháp luật về trích dẫn và sao chép, thậm chí còn chưa biết cách trích dẫn tài liệu đúng quy định”, theo ThS. Nguyễn Thị Khánh Ngân, Khoa Luật, trường ĐH Văn Lang. Những số liệu khảo sát đã thể hiện rõ tình trạng này: “Một nghiên cứu của Đại học Quốc gia TP. HCM gần đây cho thấy khoảng 64-69% sinh viên biết rằng nhà trường có quy định và hướng dẫn về sao chép, trích dẫn. Tỉ lệ này thấp hơn rất nhiều so với các trường đại học trên thế giới, chẳng hạn như theo kết quả khảo sát một trường đại học ở Canada, hơn 90% sinh viên cho biết họ nắm vững các quy định về trích dẫn và sao chép, hầu hết họ đều biết các kiểu trích dẫn phổ biến trên thế giới”.

Một hình thức vi phạm phổ biến khác là photo giáo trình, tài liệu trong học tập và nghiên cứu. Bên cạnh những sinh viên photo riêng lẻ, “rất nhiều cửa hàng photo bên ngoài các trường đại học hiện nay in ấn, kinh doanh rất nhiều giáo trình, sách tham khảo khác nhau, thậm chí còn vô số luận văn, luận án sẵn có”, ThS. Nguyễn Thị Khánh Ngân cho biết.

Việc lạm dụng quyền trích dẫn, sao chép đã dẫn đến tình trạng “đạo văn”, dù vô tình hay cố ý, ngày càng phổ biến ở các trường đại học Việt Nam. “Theo thông báo của Viện Đào tạo quốc tế, Học viện Tài chính cho thấy hầu hết sinh viên ở đây vẫn còn nhận thức khá mơ hồ về vấn đề đạo văn, vẫn còn xem nhẹ vấn đề này ngay cả khi được nhắc nhở nhiều lần. Hệ thống kiểm tra của trường này đã chỉ ra rằng 100% bài thi của các sinh viên đều có nhiều chỗ tương đồng với những tác phẩm đã công bố, trong đó có bài thi có tỉ lệ tương đồng cao nhất là 80%. Trong khi trên thế giới thường chỉ từ 10-20%, có nơi tương đồng 5% cũng bị xem là đạo văn rồi”, theo các chuyên gia trong hội thảo.

Điều này đã ảnh hưởng không ít đến uy tín của các viện, trường cũng như làm suy giảm chất lượng nghiên cứu, môi trường học thuật ở Việt Nam. “Có trường hợp một bài viết của một giảng viên ở Việt Nam đã sao chép đến 85% nội dung bài báo của một giáo sư ở nước ngoài và đưa vào sách xuất bản. Ngay sau đó, ban biên tập đã phải liên hệ với nhà xuất bản để đề nghị thu hồi và tái bản sách giấy, rút bài viết đó ra, đồng thời xin lỗi phía giáo sư nước ngoài. Về phía giảng viên kia đã bị nhà trường ra quyết định cách chức, đồng thời phải làm việc với nhà xuất bản và chịu toàn bộ chi phí thiệt hại”, ThS. Nguyễn Thị Khánh Ngân kể lại.

Xây dựng quy định chung về sao chép, trích dẫn

Làm thế nào để giảm bớt tình trạng vi phạm trong sao chép, trích dẫn tác phẩm là bài toán mà không ít trường đại học ở Việt Nam hiện nay đang tìm lời giải. Cụ thể, nhiều trường đại học hiện nay đã đưa ra các giới hạn về sao chép, trích dẫn tác phẩm và kiểm tra bằng các phần mềm đạo văn. Chẳng hạn như trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP. HCM) đưa ra quy định trong một bài viết không được trích dẫn các tác giả khác quá 25%, trích dẫn từ các tác phẩm đã công bố của bản thân không được quá 30%. Sau đó nhà trường sẽ kiểm tra lại bằng phần mềm kiểm soát đạo văn DoIT được áp dụng tại các trường trong ĐHQG TP. HCM.

Mặc dù một số trường đại học Việt Nam đã áp dụng các biện pháp công nghệ và ban hành các quy định riêng về sao chép, trích dẫn, cũng như có các chế tài xử lý song theo nhận định của các chuyên gia, hầu hết các quy định này vẫn chưa phát huy hiệu quả. Bởi lẽ, “trong các quy định này vẫn chưa có cơ chế, thủ tục rõ ràng để xem xét hành vi vi phạm, hơn nữa các biện pháp xử lý đa phần còn khá nhẹ chưa đủ tính răn đe. Chẳng hạn như ở trường ĐH Kinh tế TP. HCM, quy định mức phạt cao nhất đối với sinh viên vi phạm lỗi này lần hai là trừ điểm đối với học phần đó, còn đối với giảng viên, nhà nghiên cứu thì không công nhận báo cáo công trình và chấm dứt hợp đồng”, theo ThS. Nguyễn Thị Khánh Ngân.

Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc rằng tại sao các trường đại học không “siết chặt” quy định hơn? Dù nằm trong tầm tay song thực tế, việc quy định như thế nào để đảm bảo cân bằng lợi ích giữa tác giả/chủ sở hữu tác phẩm với người sử dụng là điều không hề dễ dàng với các trường đại học. Theo nhận định của các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính là do hiện nay ở Việt Nam chưa có quy định chung về sao chép, trích dẫn và xử lý các vi phạm liên quan. “Chúng tôi thấy chưa có sự thống nhất trong quy định của các trường, có nơi có quy định riêng, có nơi lồng ghép vào các quy định chung trong quản lý quyền sở hữu trí tuệ, có nơi đặt giới hạn mức độ tương đồng là 20%, có nơi lại là 30% hoặc 50%”, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Tuyền ở trường ĐH Cần Thơ nhận xét.

Nếu không có một quy định chung làm “khung xương sống” vững chắc, việc thực thi các biện pháp ngăn chặn vi phạm trong sao chép, trích dẫn sẽ gặp không ít khó khăn. Đơn cử như trường hợp sinh viên ở trường ĐH Luật TP. HCM photo tám cuốn giáo trình vào năm 2017, nhà trường cho rằng việc đình chỉ học là phù hợp với nội quy của trường. Tuy nhiên, rất nhiều bên đã phản đối vì cho rằng, nhà trường không có đủ căn cứ pháp lý khi đối chiếu theo các văn bản pháp luật của Bộ GD&ĐT cũng như Luật Sở hữu trí tuệ.

Do vậy, các chuyên gia đề xuất cần xây dựng các quy định chung về trích dẫn và sao chép. “Ngoài việc tạo ra một chuẩn mực công khai để thúc đẩy tôn trọng và thực thi quyền tác giả, nó sẽ tạo ra cách hiểu chung và sự đánh giá thống nhất giữa các trường. Đây cũng là cơ sở giúp sinh viên, nhà nghiên cứu tự tin, rõ ràng hơn về giới hạn quyền, giúp họ mạnh dạn sử dụng trong khuôn khổ pháp luật cho phép”, ThS. Nguyễn Thị Ngọc Tuyền nhận xét.

Những ý kiến này đã được các nhà quản lý ghi nhận: “Hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tế Việt Nam để xây dựng dự thảo về nghị định hướng dẫn Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Hội thảo đã mang lại những ý kiến rất quan trọng để chúng ta có thể tính toán tỉ lệ trích dẫn, sao chép tác phẩm phù hợp”, bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền (Bộ VH, TT&DL) cho biết.

Theo nhận định của các chuyên gia, hầu hết các quy định về sao chép, trích dẫn hiện có vẫn chưa phát huy hiệu quả. Bởi lẽ, “trong các quy định này vẫn chưa có cơ chế, thủ tục rõ ràng để xem xét hành vi vi phạm, hơn nữa các biện pháp xử lý đa phần còn khá nhẹ chưa đủ tính răn đe.

Bạn đang đọc bài viết "Giới hạn trích dẫn và sao chép hợp lý?" tại chuyên mục Tin Pháp luật. Mọi thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0775.198.669 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com