Lỡ sa chân vào đất nền tỉnh, nên cắt lỗ hay tiếp tục chờ đợi?

Tâm An

24/07/2022 15:04

Theo dõi trên

Trong bối cảnh thị trường khó đoán, lãi suất ngân hàng đang tăng trở lại, nhiều nhà đầu tư lỡ sa chân vào đất nền tỉnh trước đó đang đứng ngồi không yên, không biết liệu nên cắt lỗ hay tiếp tục chờ đợi thanh khoản.

lo-sa-chan-vao-dat-nen-tinh-nen-cat-lo-hay-tiep-tuc-cho-doi-1658565942-1658624177.jpg
Nhiều nhà đầu tư lỡ sa chân vào đất nền tỉnh trước đó đang đứng ngồi không yên vì thanh khoản kém.

Anh Trần Trọng Nam (Thanh Hoá) cho biết, đầu năm 2022 khi thị trường đất nền tỉnh đang sốt, anh đã hùn tiền với bạn bè lướt cọc thành công một vài lô đất, thu về khoản tiền lãi không nhỏ, bằng nhiều năm làm việc văn phòng.

Thấy kiếm tiền từ đất dễ dàng, anh Nam tiếp tục vay thêm ngân hàng, “đánh” vào cả thị trường Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Bình.

Thế nhưng, cơn sốt đất tại những tỉnh này bất ngờ hạ nhiệt. Đến nay đã 4 tháng, những lô đất anh mua vẫn chưa bán được.

Việc mỗi tháng phải gánh trên vai khoản lãi hàng chục triệu đồng, trong khi thị trường chưa có dấu hiệu khởi sắc, hoạt động tín dụng từ nay đến cuối năm chưa chắc được khơi thông khiến nhà đầu tư này rất hoang mang.

Mặc dù vẫn còn khả năng trả lãi, nhưng anh Nam sợ rằng nếu phải chờ đợi quá lâu, số tiền thu về không chắc bù được lãi suất phải trả.

Chị Đỗ Ánh Nguyệt (Hà Nội) còn “thê thảm” hơn khi hai lần lên kế hoạch thoát hàng đều không thành do diễn biến thị trường thay đổi bất ngờ.

Đầu năm 2020, nhận thấy thị trường đất nền Bắc Giang sôi động, chị cùng bạn mua một lô đất dự án trị giá 1,8 tỉ đồng, thanh toán theo tiến độ.

Vì mới tham gia thị trường, nên hơn phân nửa số vốn chị phải huy động từ ngân hàng và người thân. Kế hoạch là chỉ cần có lãi, chị Nguyệt sẽ bán ngay.

Tuy nhiên, thời điểm đó, giá đất liên tục tăng, việc sang tay quá dễ dàng khiến người đầu tư cùng chị tin rằng đợi thêm thời gian nữa bán sẽ lãi nhiều hơn. Mặc dù đã thuyết phục nhiều lần, nhưng cuối cùng chị Nguyệt phải nhượng bộ. Kết quả, cả hai đã bỏ lỡ cơ hội chốt lời. Thị trường sau đó nhanh chóng hạ nhiệt, rao bán nhiều tháng không ai mua.

Đến đầu năm 2022, cơn sốt đất nền lan rộng khắp các tỉnh thành. Thế nhưng lần này, chị Nguyệt lại đưa ra quyết định đợi đến giữa năm mới bán sau khi thắng một vài thương vụ trong năm.

Lại một lần nữa kế hoạch “thoát hàng” lô đất ở Bắc Giang thất bại khi hoạt động tín dụng bị thắt chặt, cơn sốt đất ở nhiều tỉnh thành đồng loạt bị chặn đứng.

“Vì quá tự tin vào kinh nghiệm đầu tư trong năm qua mà tôi bỏ lỡ cơ hội kiếm lời tận hai lần”, chị Nguyệt chia sẻ.

Hai trường hợp kể trên chỉ là số ít câu chuyện của nhà đầu tư thời “sốt đất”. Hiện tại, do không có kinh nghiệm phân tích đánh giá thị trường, vốn mỏng và áp lực lãi vay, nhiều người đang bối rối trước lựa chọn nên cắt lỗ hay kiên nhẫn chờ đợi.

Ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group, cho biết nguồn cầu chỉ chững lại một chút do những động thái gần đây liên quan đến việc hạn chế tín dụng. Khi điểm mấu chốt này được thông thì cầu sẽ lại tăng nhanh chóng.

Theo ông Tuyển, những nhà đầu tư đã mua các loại bất động sản đất nền tỉnh lẻ giá cao trong thời gian qua sẽ phải chờ đợi, thanh khoản sẽ tới trễ hơn.

Ông Tuyển dự báo tương lai của thị trường đang khởi sắc và điều này phụ thuộc vào room tín dụng bất động sản. Theo ông, muộn nhất đến tháng 10.2022 thị trường sẽ được khơi thông.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS, cho biết thị trường đang ghi nhận nhiều dòng vốn từ nước ngoài chảy về Việt Nam, thậm chí nhiều hơn những năm trước. Trong đó, vốn chảy vào lĩnh vực bất động sản chiếm tỉ trọng lớn. Đây chính là cơ hội của thị trường bất động sản thời gian tới.

“Tuy nhiên, việc mua bất động sản để đầu tư, đặc biệt khi sử dụng các đòn bẩy tài chính cần được cân nhắc. Dòng tiền cần chờ đợi những cơ hội thực sự an toàn trong tương lai sau khi cân nhắc kỹ càng những yếu tố vĩ mô”, ông Đính nhấn mạnh.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng nhà đầu tư và đầu cơ rất nhiều trong khi nguồn cung bất động sản có giới hạn. Việc này khiến cho giá đất ngày càng bị đẩy lên cao, những người càng vào sau, vay tiền càng nhiều càng dễ ôm trái đắng.

Do đó, với những nhà đầu cơ sử dụng đòn bẩy tài chính lớn thì cắt lỗ có lẽ là bước đi thông minh.

Bạn đang đọc bài viết "Lỡ sa chân vào đất nền tỉnh, nên cắt lỗ hay tiếp tục chờ đợi?" tại chuyên mục Kinh tế. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com