Ngân hàng lời chục nghìn tỷ, nhưng lãi vay vẫn khó giảm

Kết thúc quý 2/2022, nhiều ngân hàng tiếp tục báo lãi lớn, trong đó có 3 ngân hàng báo lãi tới hơn chục nghìn tỷ.
image-20220726171616-1-1658888139.jpeg
 

Ngân hàng lãi lớn 6 tháng đầu năm

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2022 với kết quả kinh doanh ấn tượng. Tính riêng trong quý 2/2022, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 7.423 tỷ đồng, tăng tới 50% so với cùng kỳ năm 2021 và là mức lợi nhuận cao nhất trong hệ thống ngân hàng.

image-20220726171616-2-1658888139.png
Trích báo cáo tài chính quý 2/2022 của Vietcombank.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022, tính riêng thu nhập từ lãi cho vay của Vietcombank đạt tới 34.112 tỷ, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung thu nhập từ lãi và các khoản thu nhập tương tự trong 6 tháng đầu năm của Vietcombank đạt hơn 40.000 tỷ, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, chi phí trả lãi tiền gửi cho khách hàng và các khoản chi phí tương tự trong 6 tháng đầu năm của Vietcombank chỉ mất 15.236 tỷ đồng, chưa bằng 1/3 so với khoản thu nhập từ lãi.

Nhờ thu nhập từ các mảng kinh doanh đều tăng cao và giảm chi phí dự phòng rủi ro, lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm 2022 của Vietcombank đạt 17.373 tỷ, tăng 28% so với cùng kỳ. 

Ngân hàng đứng thứ hai về kết quả lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2022 là VPBank với lợi nhuận trước thuế đạt 15.323 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ. 

Trong nửa đầu năm, dư nợ tín dụng ngân hàng hợp nhất đạt 436.000 tỷ đồng, trong đó tăng trưởng tín dụng của riêng ngân hàng mẹ VPBank là 14,3%, cao hơn mức trung bình 9,35% toàn ngành. Thu nhập từ lãi của VPbank tăng ổn định, nhờ tín dụng tăng trưởng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2021.

Ngân hàng thứ ba trong hệ thống đạt con số lợi nhuận hơn chục nghìn tỷ là Techcombank với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2022 đạt 14.100 tỷ đồng, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động của Techcombank tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 21.100 nghìn tỷ đồng, nhờ tăng trưởng mạnh mẽ ở cả thu nhập lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ.

Trong đó, thu nhập từ lãi cho vay của Techcombank đạt 15.900 tỷ đồng, tăng 25,1% so với cùng kỳ năm trước; chi phí lãi trả tiền gửi cho khách hàng chỉ mất 3.553 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2022 (chỉ bằng 1/5 so với thu nhập từ lãi).

Lãi vay vẫn khó giảm

Khi các nhà băng thu lời lớn từ khoản chênh lệch giữa thu nhập từ lãi và chi phí trả lãi thì lãi suất cho vay trên thị trường vẫn khó có xu hướng giảm.

Từ đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% trong 2 năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên để hỗ trợ tích cực quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Kể từ khi đại dịch xảy ra, tính từ đầu năm 2020 đến nay, NHNN đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các ngân hàng có thể giảm lãi suất cho vay. Đến nay, lãi suất cho vay đã giảm trên dưới 2% so với trước khi dịch xảy ra.

Theo đánh giá của các chuyên gia Công ty chứng khoán SSI, nhìn chung, NHNN đã cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất phù hợp xuyên suốt nửa đầu năm 2022 nhằm hỗ trợ việc phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, Trên thực tế, trước những áp lực về lạm phát và tỷ giá tăng nhanh trong quý 2, dư địa để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng khôi phục sản xuất - kinh doanh không còn nhiều. Các chuyên gia kinh tế khẳng định mặt bằng lãi suất cho vay khó có thể đứng yên khi lãi suất huy động liên tục tăng cao.

Thực tê, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất cho vay 1%-2% so với trước. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng không còn tung ra các chương trình vay ưu đãi như trước đây.