Nhà máy luyện kim ở Bắc Kạn dừng hoạt động gần 10 năm, có nợ quá hạn tới 464 tỷ đồng

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp đến kiểm tra thực địa và chỉ đạo các bộ ngành liên quan khẩn trương vào cuộc xử lý những vấn đề của dự án này.

Ngày 16/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến đến kiểm tra thực địa và chỉ đạo các bộ ngành liên quan khẩn trương vào cuộc xử lý những vấn đề tại dự án Nhà máy luyện kim phi cốc (sản xuất sắt xốp), tỉnh Bắc Kạn. Đây là dự án thuộc Bộ Công Thương có tổng vốn đầu tư hơn 490 tỷ đồng, công suất 100.000 tấn/năm nhưng đã dừng hoạt động từ cuối năm 2015.

thu-tuong-pham-minh-chinh-kiem-tra-nha-may-luyen-kim-pld-1689579671.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra nhà máy luyện kim ngừng hoạt động gần 10 năm tại Bắc Kạn. Ảnh: VGP

Dự án Nhà máy Luyện kim phi cốc được xây dựng từ năm 2009, do Công ty CP Vật tư và Thiết bị toàn bộ (Matexim) - công ty con của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đầu tư.

Được biết, Nhà máy Luyện kim phi cốc đi vào hoạt động từ tháng 3/2013 đến cuối năm 2015, sau đó dừng hoạt động cho tới nay. Hiện tổng số nợ quá hạn của dự án này lên tới 464 tỷ đồng. Nhiều dây chuyền sản xuất, thiết bị, máy móc bị bỏ hoang nhiều năm, xuống cấp nghiêm trọng.

thu-tuong-yeu-cau-co-gang-khoi-phuc-lai-hoat-dong-cua-nha-may-pld-1689579671.jpeg
Thủ tướng yêu cầu cố gắng khôi phục lại hoạt động của Nhà máy, khôi phục công ăn việc làm cho người lao động

Theo báo cáo, nguyên nhân chính khiến nhà máy ngừng hoạt động là do thời điểm đi vào sản xuất, thị trường sắt thép gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, giá thành sản xuất cao hơn giá bán và các nhà máy thép ở Việt Nam ít sử dụng sắt xốp trong sản xuất thép.

do-ngung-hoat-dong-trong-thoi-gian-dai-nen-cac-day-chuyen-thiet-bi-may-moc-xuong-cap-pld-1689579671.jpeg
Do ngừng hoạt động trong thời gian dài nên các dây chuyền thiết bị máy móc xuống cấp và số nợ quá hạn của dự án này lên tới 464 tỷ đồng

Sau khi kiểm tra thực tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với tỉnh Bắc Kạn và các cơ quan, chủ thể liên quan, đánh giá lại toàn bộ dự án một cách tổng thể, khách quan.

Đồng thời, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, dự báo tình hình (về nhu cầu, khả năng tiêu thụ, đầu ra cho sản phẩm), nghiên cứu phương hướng xử lý, tính toán, cân nhắc, lựa chọn phương án tốt nhất, xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ trong tháng 8 tới đây.