Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) vừa tổ chức ngày 18/3, Chủ tịch Lê Phước Vũ đã có những chia sẻ về kế hoạch kinh doanh, cổ tức và việc chọn người thừa kế mình để điều hành tập đoàn.
Sau năm 2023 với nhiều khó khăn khi doanh thu hợp nhất đạt 31.651 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế ghi nhận mức 30 tỷ đồng, Chủ tịch Lê Phước Vũ cho rằng thị trường vẫn tiềm ẩn rất nhiều bất ổn, khó lường đến từ cả trong và ngoài nước trong năm 2024.
Vì vậy, Hoa Sen đưa ra 2 kịch bản kinh doanh trong đó kịch bản 1 phấn đấu sản lượng tiêu thụ 1,625 triệu tấn, doanh thu 34.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 400 tỷ đồng; kịch bản 2 dự kiến đạt 1,73 triệu tấn sản lượng tiêu thụ, doanh thu và lợi nhuận lần lượt ở mức 36.000 tỷ đồng và 500 tỷ đồng.
Trước thắc mắc của cổ đông “khoảng 6 năm gần đây Hoa Sen không chia cổ tức tiền mặt. Năm rồi công ty lãi 30 tỷ đồng, vậy HĐQT có nên cân nhắc chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ nhiều hơn 5%?”.
Về vấn đề này, Chủ tịch Lê Phước Vũ cho rằng niên độ 2022-2023 mà lãi 1 tỷ đồng đã là thành công, đáng thưởng cho ban điều hành vì quý 1 đã lỗ hơn 800 tỷ đồng.
Ông Vũ giải thích, điều này hoàn toàn khách quan do Hoa Sen vừa là nhà nhập khẩu, sản xuất, phân phối và xuất khẩu, vì vậy tồn kho lúc nào cũng phải đảm bảo 4 tháng. Trong quý 1/2023, giá nguyên liệu đã rơi từ 1.000 USD xuống 500 USD. Với 4 tháng tồn kho thì lỗ 800 tỷ đồng là đương nhiên.
Ba quý cuối năm ngoái, giá cả vẫn biến động, sự suy yếu của cả thị trường trong nước lẫn xuất khẩu. Do vậy, Hoa Sen vẫn lãi 30 tỷ là một nỗ lực tột bậc của ban điều hành.
Theo đó, khoản lợi nhuận giữ lại tính đến cuối năm 2023 là hơn 4.400 tỷ đồng, dòng tiền dương hơn 1.000 tỷ đồng, không còn nợ trung và dài hạn. Ông Lê Phước Vũ cho rằng nếu Hoa Sen đột ngột đóng cửa, dừng hoạt động thì vẫn dư tiền để trả nợ ngân hàng.
Với tình hình tài chính như vậy, tập đoàn đã tiếp cận được nguồn vốn rẻ của các định chế tài chính quốc tế với chi phí vốn 2,3%, kỳ hạn 4 tháng.
“Nếu không có dòng tiền và năng lực tài chính thì chúng ta không thể tiếp cận được dòng vốn rẻ như thế này”, ông Vũ cho biết.
Ông Vũ cũng cho biết thêm, hạn mức tín dụng của doanh nghiệp hiện đạt mức 17.000-18.000 tỷ đồng, với mức lãi suất bình quân là 2,1%/năm. Hoa Sen tôn trọng các định chế tài chính, do đó không thực hiện vay tiền rồi đem tiền gửi ngân hàng lãi suất 4-5% để hưởng chênh lệch.
“Chúng ta không nên chủ quan, nên ở thế phòng thủ nhiều hơn. Tiền của cổ đông còn hơn 4.000 tỷ đồng lợi nhuận còn giữ lại nhưng phải lấy sự ổn định làm hàng đầu, lãi giữ lại tái đầu tư cho tương lai. Nếu chia nhiều hơn 5%, tương đương khoảng 300 tỷ đồng, tức sẽ dùng lợi nhuận tích lũy của các năm trước” Chủ tịch Hoa Sen chia sẻ.