Ngày 10/5, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cùng các đối tác đã công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2021.
PAPI đo lường 8 chỉ số: Sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; và Quản trị điện tử - mỗi chỉ số được tính trên thang điểm 10.
Năm 2021, điểm số tổng hợp PAPI của các tỉnh/thành phố đạt từ 37,22 đến 48,05 trên thang 80 điểm.
Trong khi nhiều tỉnh ở phía Bắc thuộc nhóm đạt điểm 'cao nhất' hoặc 'trung bình cao', thì phần lớn các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long thuộc nhóm 'trung bình thấp' hoặc 'thấp nhất'. Đứng đầu về điểm tổng thể là Thừa Thiên Huế.
Trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, TP.HCM thuộc nhóm đạt điểm ‘thấp nhất’ với 4/8 chỉ số thành phần bị xếp trong nhóm ‘thấp nhất’. Kết quả này phản ánh phần nào thực tế tác động nặng nề của đợt giãn cách xã hội kéo dài trong làn sóng COVID-19 thứ tư, khiến người dân và chính quyền gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận và cung ứng dịch vụ công.
So với năm 2020, phần lớn các tỉnh, thành phố đạt kết quả cao hơn ở 3 chỉ số ‘Cung ứng dịch vụ công’, ‘Quản trị môi trường’ và ‘Quản trị điện tử’; và thấp hơn ở 5 chỉ số còn lại.
Đáng chú ý là điểm cao nhất và thấp nhất cấp tỉnh năm 2021 đều giảm so với kết quả năm 2020 ở các chỉ số nội dung ‘Tham gia của người dân ở cấp cơ sở’, ‘Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương’ và ‘Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công’, hàm ý sự sụt giảm trong hiệu quả thực hiện của tất cả các tỉnh, thành phố ở các nội dung này.
Đặc biệt, điểm số về 'Quản trị điện tử' trong vài năm qua vẫn luôn ở 'mức thấp', mặc dù đã có những chương trình đẩy mạnh Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là trong bối cảnh COVID-19 tạo xúc tác cho chuyển đổi số.
Những vấn đề người dân quan ngại nhất
Báo cáo PAPI không chỉ là phong vũ biểu đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh mà còn cho biết những mối quan tâm và kỳ vọng của người dân từng năm.
Trong cuộc khảo sát trên 15.800 người dân với những đặc điểm nhân khẩu học đa dạng trên toàn quốc, các nhà nghiên cứu thống kê được rằng vấn đề mà người dân quan ngại nhất trong năm 2021 là y tế/bảo hiểm y tế; theo sau là vấn đề đói nghèo, tăng trưởng kinh tế/GDP và việc làm.
Có thể nói, năm thứ hai của đại dịch COVID-19 với làn sóng biến chủng delta vào Việt Nam đã khiến ngành y tế chịu nhiều sức ép và nhận được ít thiện cảm hơn, đặc biệt là ở tuyến y tế cơ sở. Tỉ lệ người dùng hài lòng với dịch vụ bệnh viện công ở tuyến huyện/quận bị giảm mạnh.
Trước năm 2020, nhiều người lạc quan với tình hình kinh tế của đất nước; tuy nhiên, năm 2021, quan ngại về tăng trưởng kinh tế đã gia tăng, đi kèm với cảm nhận bi quan hơn về tình hình kinh tế của đất nước và kinh tế hộ gia đình.
Việc làm và thu nhập của người dân cũng bị ảnh hưởng trên diện rộng hơn, tỉ lệ người trả lời cho biết họ bị mất việc làm và/hoặc thu nhập tăng hơn 10% so với năm trước, đặc biệt là ở các trung tâm kinh tế trọng điểm như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Ngược lại, mối quan ngại về ô nhiễm môi trường đã giảm, và hơn 70% người dân cho rằng môi trường cần được ưu tiên cho dù phải hy sinh phần nào kết quả tăng trưởng kinh tế.
TS. Paul Schuler, Phó Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Arizona và là chuyên gia tư vấn của UNDP về kiểm soát chất lượng khảo sát, nhấn mạnh, việc nhìn sâu vào những mối quan tâm của người dân sẽ đưa ra những gợi ý cho chính quyền, chẳng hạn như ưu tiên đầu tư nâng cấp dịch vụ của bệnh viện công tuyến quận/huyện, đưa ra gói hộ trợ giảm nghèo, kích thích tăng trưởng kinh tế và quan tâm đúng mức đến kỳ vọng của người dân về tăng trưởng xanh.
Xem báo cáo PAPI 2021 đầy đủ và các kết quả phân tích tại: www.papi.org.vn