Sau Hòa Phát, tới lượt Hoa Sen báo lỗ "chổng vó"

Hữu Việt

31/10/2022 16:06

Theo dõi trên

Chung cảnh ngộ của các “ông lớn” đầu ngành, Tập đoàn Hoa Sen báo lỗ ròng gần 900 tỷ đồng trong quý cuối niên độ 2021-2022 do giá thép liên tục giảm và khó khăn trong việc bán hàng.

CTCP Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG), vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất, niên độ tài chính 2021-2022 (từ ngày 1/10/2021 đến 30/9).

Cụ thể, doanh thu của Hoa Sen ghi nhận trong giai đoạn này đạt 7.939 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 887 tỷ đồng, tức giảm 1.827 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh nghiệp tôn mạ này kinh doanh dưới giá vốn dẫn tới lợi nhuận gộp ghi nhận âm 230 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 2.474 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh thu tài chính giảm 26,9% so với cùng kỳ về mức 97,4 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 44,8%, tương ứng giảm 621,02 tỷ đồng về 765,93 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

image-20221029111257-1-1667206997.jpeg
Hoa Sen báo lỗ 887 tỷ đồng trong quý cuối niên độ 2021-2022

Như vậy, mặc dù đã cố gắng tiết giảm chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp nhưng do kinh doanh dưới giá vốn, Hoa Sen vẫn báo lỗ 887 tỷ đồng trong quý 4. Theo đó, đây là mức lỗ sâu nhất mà doanh nghiệp này ghi nhận kể từ khi hoạt động.

Được biết, lần gần nhất của Hoa Sen ghi nhận là từ quý 4/2018 (từ 1/7 đến 30/9/2018) với giá trị lỗ 101,8 tỷ đồng.

Phía Hoa Sen cho biết, lợi nhuận giảm sâu trong quý này là do giá thép liên tục giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ chậm dẫn đến sự sụt giảm mạnh của biên lợi nhuận gộp.

Lũy kế cả niên độ, Hoa Sen đạt gần 50.000 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ so với năm trước nhưng lợi nhuận ròng chỉ còn 251 tỷ đồng, giảm mạnh 94% so với niên độ trước.

Sản lượng tiêu thụ toàn niên độ là gần 1,82 triệu tấn, tương đương 91% mục tiêu. Ở mảng sản phẩm chủ lực là tôn mạ, Hoa Sen vẫn đang dẫn đầu với thị phần 29,1% trong 9 tháng đầu năm.

image-20221029111257-2-1667206997.jpeg
Giá thép liên tục giảm và khó khăn trong việc bán hàng dẫn đến sự sụt giảm mạnh biên lợi nhuận gộp của Hoa Sen

Trong niên độ tài chính 2021-2022, Hoa Sen đặt kế hoạch doanh thu 46.399 tỷ đồng và 3 kịch bản lợi nhuận sau thuế lần lượt là 1.500 tỷ đồng, 2.000 tỷ đồng và 2.500 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý 4, Công ty mới hoàn thành được 10% kế hoạch lợi nhuận năm và 16,7% kế hoạch cả năm.

Tính tới 30/9, tổng tài sản của Hoa Sen giảm 36% so với hồi đầu năm, tương ứng giảm 9.594 tỷ đồng về 17.024 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là 7.374 tỷ đồng tồn kho, chiếm 43,3% tổng tài sản; tài sản cố định đạt 5.958,8 tỷ đồng, chiếm 35%; các khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.459,7 tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng tài sản và các khoản mục khác.

Khoản nợ phải trả của Hoa Sen đã giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn hơn 6.100 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này đã giảm được 2.649 tỷ đồng dư nợ vay ngân hàng từ mức 6.836 tỷ đồng xuống còn 4.187 tỷ đồng, tương đương giảm 39%.

Mở thêm chi nhánh mới, tăng vốn cho công ty con

Mới đây, Tập đoàn Hoa Sen cũng đã ban hành nghị quyết về việc thành lập 3 chi nhánh mới ở khu vực miền Tây, miền Trung và Tây Nguyên ở các tỉnh Cần Thơ, Bình Định và Đắk Lắk.

Đồng thời, doanh nghiệp này thông qua việc góp thêm vốn vào Công ty TNHH Một thành viên Hoa Sen Phú Mỹ - công ty con 100% vốn của tập đoàn. Cụ thể, vốn điều lệ trước khi tăng là 250 tỷ đồng. Vốn điều lệ góp thêm là 130 tỷ đồng, nâng tổng vốn lên 380 tỷ đồng.

Hiện Tập đoàn Hoa Sen có 9 công ty con là Hoa Sen Nghệ An, Hoa Sen Nhơn Hội – Bình Định, Tôn Hoa Sen, Hoa Sen Phú Mỹ, Hoa Sen Hà Nam, Nhựa Hoa Sen, Hoa Sen Bình Định, Hoa Sen Yên Bái, Vật liệu Xây dựng Hoa Sen Yên Bái.

Tập đoàn của Chủ tịch Lê Phước Vũ còn có một công ty liên kết là Công ty cổ phần Cảng Quốc tế Hoa Sen với tỷ lệ sở hữu 49%.

Bạn đang đọc bài viết "Sau Hòa Phát, tới lượt Hoa Sen báo lỗ "chổng vó"" tại chuyên mục Kinh tế. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com