Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Thép Thế giới (Worldsteel), sản lượng thép thô toàn cầu trong tháng 5 vừa qua đạt gần 170 triệu tấn, giảm 3,5% so với kỳ năm 2021.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng thép thô của 64 quốc gia đạt gần 792 triệu tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chính sách "Zero Covid-19" ở Trung Quốc cùng với căng thẳng Nga - Ukraine và những chính sách cấm vận giữa các nước đã ảnh hưởng đến giá thành, nguồn cung nguyên liệu trong sản xuất sắt thép. Theo đó, hầu hết các khu vực sản xuất thép lớn trên thế giới đều ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về sản lương trong tháng 5/2022.
Cụ thể, khu vực châu Phi sản xuất được 1,1 triệu tấn vào tháng 5 vừa qua, giảm 18,9% so với cùng kỳ. Châu Á và Châu Đại Dương sản xuất 126,8 triệu tấn, giảm 1,7%.
Khu vực EU (27) sản xuất 12,9 triệu tấn thép thô trong giai đoạn này, giảm 6,8%. Ngoài ra, các nước trong châu Âu còn lại sản xuất được 4,1 triệu tấn, tăng 1,7%.
Tương tự, các nước Trung Đông sản xuất được 3,5 triệu tấn, giảm 10%; Bắc Mỹ sản xuất 9,9 triệu tấn, giảm 4%. Nga và các nước CIS + Ukraine sản xuất 7,4 triệu tấn, giảm 19,1%. Nam Mỹ sản xuất 3,8 triệu tấn, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong top 10 quốc gia sản xuất thép hàng đầu, Trung Quốc - nước sản xuất thép lớn nhất thế giới, tiếp tục ghi nhận giảm mạnh về sản lượng trong giai đoạn này khi chỉ đạt gần 97 triệu tấn, giảm 3,5% so với tháng 02/2021.
Cùng ghi nhận tình trạng giảm về sản lượng thép thô trong tháng 5 có Nhật Bản sản xuất 8,1 triệu tấn, giảm 4,2%; Mỹ sản xuất được 7,2 triệu tấn, giảm 2,6%; Nga ước tính đã sản xuất 6,4 triệu tấn, giảm 1,4%. Hàn Quốc sản xuất 5,8 triệu tấn, giảm 1,4%; Đức sản xuất 3,2 triệu tấn, giảm 11,5%; Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất 3,2 triệu tấn, giảm 1,4%. Brazil sản xuất 3 triệu tấn, giảm 4,9%. Iran ước tính đã sản xuất 2,3 triệu tấn, giảm 17,6%.
Trong giai đoạn này, riêng chỉ có Ấn Độ là nước duy nhất ghi nhận tăng sản lượng. Cụ thể, Ấn Độ sản xuất thép thô đạt 10,6 triệu tấn, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện giá thép tại Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất 16 tháng do nước này thực hiện chính sách Zero Covid khiến nhu cầu thép giảm xuống và tồn kho tăng lên. Điều này càng tạo áp lực lên thị trường quặng sắt khi nhiều nhà máy luyện thép ngừng hoạt động do biên lợi nhuận sụt giảm.
Tại Việt Nam, các thương hiệu thép lớn đồng loạt điều chỉnh giảm giá thép xây dựng ngày 19/6 vừa qua với mức giảm từ 300.000-500.000 đồng/tấn. Hiện, giá thép xây dựng trong nước đang dao động 16,3-17,5 triệu đồng/tấn. Đây là đợt giảm thứ ba liên tiếp kể từ đầu tháng 6 và đợt thứ 6 liên tiếp kể từ ngày 11/5.