Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo số 59/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã cho ý kiến chỉ đạo đối với một số kiến nghị của tỉnh về Cảng hàng không Phù Cát.
Cụ thể, về nâng cấp Cảng hàng không Phù Cát, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc, đồng thời giao Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu, xử lý kiến nghị của tỉnh Bình Định liên quan đến quy hoạch đường cất hạ cánh thứ 2 và mở rộng nhà ga, sân đỗ trong quá trình lập quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền quy định.
Về việc sử dụng nguồn tăng thu ngân sách địa phương hằng năm để đầu tư đường cất hạ cánh thứ 2, UBND tỉnh Bình Định chịu trách nhiệm báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền và quy định.
Về chủ trương xã hội hóa đầu tư nâng cấp, mở rộng nhà ga, sân đỗ sân bay và việc bổ sung Cảng hàng không Phù Cát vào quy hoạch Cảng hàng không quốc tế, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc, đồng thời giao Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn tỉnh thực hiện theo quy định.
Về việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn (Bình Định) – Pleiku (Gia Lai), Thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Định chủ động phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 173/TB-VPCP ngày 15/6/2022 của Văn Phòng Chính phủ.
Đồng thời chủ động làm việc với các bộ ngành và các cơ quan liên quan để được hướng dẫn các nội dung liên quan đến phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn (Bình Định) – Pleiku (Gia Lai), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2023.
Chưa hết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã cho ý kiến chỉ đạo đối với một số kiến nghị của tỉnh liên quan đến một số dự án khác có liên quan.
Trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030 trong quý 2/2023
Về một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Bình Định chú trọng công tác quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, trọng điểm của Tỉnh; quy hoạch phải đi trước một bước với tầm nhìn dài hạn, chiến lược và tư duy đổi mới; vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh, vừa hóa giải được các điểm nghẽn, nút thắt, khó khăn, thách thức, hạn chế.
Tỉnh cần khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong quý 2/2023; nghiên cứu quy hoạch phát triển khu vực Bắc Phú Yên - Nam Bình Định.
Bình Định cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, nhất là các ngành ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, kinh tế biển; khai thác lợi thế so sánh, nâng cao sức cạnh tranh.
Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, truy xuất nguồn gốc, bảo hộ và phát triển thương hiệu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa đáp ứng yêu cầu thị trường. Thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị, phát triển xanh, bền vững, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao.
Bình Định cần phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế then chốt, khuyến khích các ngành công nghệ cao, công nghiệp xanh, công nghiệp hỗ trợ, năng lượng tái tạo, công nghiệp - đô thị ven biển... Xây dựng hạ tầng đồng bộ, kết nối và nâng cao hiệu quả hoạt động của Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nông, lâm, thủy sản địa phương.
Tỉnh Bình Định cần đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ, thương mại có tiềm năng, thế mạnh (vận tải biển, logictics, kho bãi, tài chính, ngân hàng, bưu chính, viễn thông...).
Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch, dịch vụ; phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo gắn với truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên; hình thành các tuyến, cụm du lịch.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối vùng. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tập trung vào các công trình trọng điểm, chiến lược làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội,...