Tránh bẫy “hợp đồng giả cách”

Đã có hàng trăm trường hợp người dân có đất đai, nhà cửa bỗng trắng tay chỉ vì vướng vào giao dịch vay mượn nhưng lại ký hợp đồng chuyển nhượng tài sản, đến khi phát hiện thì đã muộn…

Theo đó, với chiêu lừa dùng “hợp đồng giả tạo” hay còn gọi là “hợp đồng giả cách” trong hoạt động cho vay tín dụng. Nhiều nạn nhân đã dễ dàng sập bẫy của các đối tượng lừa đảo, nhà cửa, tài sản phút chốc “biến mất”, gia đình trắng tay.

ong-vu-ba-hien-pld-1692691642.jpg
Ông Vũ Bá Hiển (thôn Thanh Hà, xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) chỉ ngôi nhà mới xây sắp bị ngân hàng phát mại. Ảnh: Nguyễn Giang

“Bút sa, gà chết”

Điển hình là vụ án xảy ra với gia đình bà Trần Thị Hiền, tại thôn Song Mai Đông, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Trong vụ án này, để hoàn thiện hồ sơ chuyển nhượng và thủ tục sang tên sổ đỏ rồi đem thế chấp ngân hàng, các đối tượng còn ngang nhiên làm giả Giấy chứng tử xác nhận bà Trần Thị Hiền đã chết. Được biết, hiện vụ án vẫn đang bế tắc khi cơ quan công an chưa xác định được bị can trong vụ án.

Hiện, cơ quan thi hành án huyện Sóc Sơn đã tiến hành kiểm kê hiện trạng tài sản để chuẩn bị phát mại tài sản của gia đình bà Hiền.

Cũng với chiêu bài tương tự trên địa bàn huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội), gia đình ông Vũ Bá Hiển, SN 1946, tại thôn Thanh Hà, xã Nam Sơn, một gia đình chính sách có hoàn cảnh hết sức khó khăn cũng dính bẫy của các đối tượng. Hiện gia đình ông Hiển đang vô cùng hoang mang, bởi đất đai, nhà cửa cũng sắp bị ngân hàng tiến hành phát mại.

Trao đổi với DĐDN xung quanh các vụ án này, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho biết, “hợp đồng giả cách” hay “giả tạo” thực chất là một loại hợp đồng mà các bên thực hiện nhằm che giấu một quan hệ dân sự khác và thông qua hợp đồng đó để chiếm đoạt tài sản khi có vi phạm về nghĩa vụ của hợp đồng. Trong đó, đa số là các hợp đồng giao dịch mua bán nhà, đất để che giấu giao dịch vay tài sản.

Thông thường, những người vay tiền không có ý định chuyển nhượng tài sản mà chỉ dùng tài sản để đảm bảo khoản vay, nhưng vì muốn vay được tiền nên chấp nhận ký vào hợp đồng chuyển nhượng tài sản. Cũng có những trường hợp do không đọc kỹ hợp đồng, không am hiểu pháp luật nên không lường trước được hậu quả của việc ký kết dẫn đến bản thân đã ký vào hợp đồng chuyển nhượng tài sản để vay tiền. Chỉ một thời gian sau, tài sản đã bị sang tên người cho vay thì người vay mới phát hiện và làm đơn khởi kiện tại tòa án.

Rất khó xử lý

Nói về những vụ lừa đảo này, luật sư Biên cho biết, các đối tượng cho vay thường nhắm đến những cá nhân có nhu cầu về tài chính cấp thiết nhưng thiếu hiểu biết pháp luật. Các vụ tranh chấp liên quan đến “hợp đồng giả cách” rất khó giải quyết cả trên phương diện lý luận cũng như thực tiễn. Đặc biệt là trong hoạt động cho vay, bên vay tài sản thường không được phép giữ các loại giấy tờ giao dịch nên việc chứng minh một hợp đồng giả cách hay không là rất phức tạp và khó khăn.

Cũng theo vị luật sư này, để chứng minh việc ký kết giao dịch là một hợp đồng giả cách, đương sự phải cung cấp được một hợp đồng bề ngoài và một hợp đồng bị che giấu. Việc chứng minh ý chí tự nguyện của người tham gia các giao dịch sẽ tốn rất nhiều thời gian và công sức.

“Trong một số trường hợp, các bên đã thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với hoạt động mua bán tài sản, thể hiện có sự đồng thuận của đôi bên trong việc thực hiện hợp đồng mua bán tài sản thì càng khó khăn hơn trong quá trình giải quyết các vụ án liên quan đến loại vụ việc này”, luật sư Biên nói.

Tránh “bẫy” cách nào?

Đồng quan điểm và đưa ra khuyến nghị để phòng tránh rủi ro từ những giao dịch “giả tạo”, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp cho rằng, người dân cần tìm hiểu và nhờ người hiểu biết hơn về pháp luật trước khi đặt bút ký. Khi ký hợp đồng phải đọc kỹ hợp đồng và không ký giấy tờ chuyển nhượng đất đai, tài sản.

Về phía cơ quan Nhà nước, luật sư Cường cho rằng, cần thực hiện tuyên truyền, phổ cập các quy định về vay vốn, thế chấp tài sản, cảnh báo nguy cơ sập bẫy tín dụng đen, truyền thông về hệ lụy nghiêm trọng để răn đe… Qua đó mới hạn chế được tình trạng cho vay tiền và sau đó hợp thức hoá bằng “hợp đồng giả tạo” nhằm chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh đó, phải bổ sung quy định trong việc xác minh tính khách quan khi thực hiện công chứng, để việc chứng nhận tính xác thực của giao dịch không chỉ là chứng nhận các bên có thỏa thuận, xác lập giao dịch với nội dung thể hiện trên văn bản mà đối tượng và đặc điểm của tài sản các bên giao dịch cũng cần phải được kiểm tra, xác minh cụ thể trên thực tế.

“Đồng thời, cần nâng cao nghiệp vụ của công chứng viên và trách nhiệm của các Văn phòng công chứng. Khi thực hiện hoạt động công chứng, Công chứng viên phải biết rõ những gì các bên hướng tới, mong muốn đạt được khi tham gia giao dịch đúng như đối tượng đặc trưng của loại hợp đồng, giao dịch mà các bên giao kết”, luật sư Đặng Văn Cường nói.