Từ 1/1/2025, tài xế lái xe quá 48 tiếng/tuần sẽ bị phạt tiền, tước bằng lái

Từ 1/1/2025, thời gian làm việc của người lái xe phải bảo đảm theo quy định của Bộ luật Lao động. Theo đó, tài xế lái xe kinh doanh vận tải không được lái xe quá 10 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần.
tai-xe-lai-xe-qua-48-tieng-0946-1727754175.jpg
Từ 1/1/2025, thời gian cho tài xế lái xe không quá 48 giờ trong một tuần. (Ảnh minh họa)

Điều 64 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực từ 1/1/2025 nêu rõ về thời gian làm việc của người lái ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ. Cụ thể, thời gian làm việc của người lái xe phải bảo đảm theo quy định của Bộ luật Lao động.

Theo đó, thời gian lái xe của người lái ôtô không quá 10 giờ một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần; lái xe liên tục không quá 4 giờ.

Đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị vận tải nội bộ và người lái ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ chịu trách nhiệm thực hiện các quy định tại Điều này.

Trước đó, tại khoản 1 Điều 65 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định thời gian làm việc của người lái xe ô tô như sau: Thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ.

Theo đó, thời gian làm việc tối đa của người tài xế xe ô tô là 10 giờ/ngày (không được quá 10 giờ/ngày) và không được lái xe liên tục quá 4 giờ. Ngoài ra, người vận tải và người lái xe ô tô phải chịu trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Trong trường hợp vi phạm quy định này, người điều khiển ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ sẽ bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng, theo Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP cũng quy định việc giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 6 Điều 23, điểm b khoản 5 Điều 24 Nghị định này hoặc trực tiếp điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm quy định tại điểm d khoản 6 Điều 23, điểm b khoản 5 Điều 24 Nghị định này. Đối với công ty là chủ phương tiện giao xe hoặc để cho người làm công điều khiển xe quá thời hạn quy định, làm quá giờ quy định sẽ bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực khi nào?
Điều 88 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định:

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Khoản 3 Điều 10 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2026.

3. Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 44/2019/QH14 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 5 và 6 Điều 89 của Luật này.

4. Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 89 của Luật này.

Như vậy, theo quy định trên thì Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, trừ trường hợp khoản 3 Điều 10 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2026.