Cảnh báo lừa đảo cấp, đổi giấy phép lái xe online

Thời gian qua, nhiều người dân đã tìm đến dịch vụ cấp, đổi giấy phép lái xe online. Tuy nhiên, việc thuê dịch vụ này tiềm ẩn nhiều rủi ro, đã có không ít người trở thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo dịch vụ thi, cấp, đổi giấy phép lái xe online.

Chiêu trò "thao túng tâm lý" để lừa đảo
Theo thông tin từ Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), thời gian vừa qua, số lượng người dân đi làm thủ tục cấp, đổi giấy phép lái xe tăng đột biến đã dẫn đến một số địa điểm làm thủ tục quá tải, xếp hàng dài chờ đến lượt.

doi-giay-phep-lai-xe-online-1518-1727232754.jpg

Lừa đảo dịch vụ thuê cấp đổi giấy phép lái xe online. (Nguồn: Cục An toàn thông tin)

Điều này dẫn đến việc nhiều người dân đã tìm đến dịch vụ cấp, đổi giấy phép lái xe online với mong muốn tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, việc thuê dịch vụ này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lộ lọt thông tin, thậm chí có thể khiến người dân rơi vào bẫy lừa đảo.

Hiện nay, không khó để tìm kiếm dịch vụ cấp, đổi bằng lái xe trên mạng, mức phí cho dịch vụ này từ 400.000 - 600.000 đồng, tùy nhu cầu. Thậm chí, có đối tượng còn quảng cáo, khách hàng không cần đến Sở Giao thông vận tải để chụp ảnh và bên dịch vụ sẽ tự lo giấy khám sức khỏe, giấy phép lái xe sẽ được gửi về tận nhà sua khi hoàn thiện. Khách hàng chỉ cần cung cấp cho phía làm dịch vụ bản sao một số giấy tờ cá nhân, căn cước công dân, ảnh thẻ, nếu không cẩn trọng, việc thuê dịch vụ này có thể khiến người dân rơi vào bẫy lừa đảo.

Lừa đảo hàng trăm triệu bằng chiêu 'bao đậu lý thuyết' thi sát hạch cấp giấy phép lái xe
Thực tế, đã có không người trở thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo dịch vụ thi, cấp, đổi giấy phép lái xe online.

Vào hồi tháng 6/2024, Công an huyện Tân kỳ, tỉnh Nghệ An đã bắt giữ, khởi tố 2 đối tượng Nguyễn Văn Hùng (32 tuổi), trú huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa và Trần Văn Trí (33 tuổi), trú huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An về tội tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Nắm được tâm lý nhiều người muốn có bằng lái xe ô tô mà không mất thời gian học và thi, 2 đối tượng Hùng và Trí đã thông tin tới các nạn nhân bản thân có thể giúp các học viên thi bao đậu, rút ngắn thời gian học từ đó lừa đảo hàng chục học viên trên cả nước với số tiền hơn 500 triệu đồng.

155559chiem-doat-tai-san-1555-1727232754.jpeg

Các bài viết đối tượng Hùng đăng tải lên mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Để tạo lòng tin cho các bị hại, các đối tượng lừa đảo đã giới thiệu bản thân hiện đang giảng dạy hoặc làm quản lý tại các Trung tâm đào tạo sát hạch lái xe có uy tín, thậm chí chạy cả quảng cáo, tạo tương tác giả hay sẵn sàng dạy cho các học viên một vài buổi học để lấy lòng tin từ các nạn nhân.

Cơ quan Công an xác định, với chiêu bài bài bao đậu lý thuyết 100%, đã có ít nhất trên 40 học viên có nhu cầu học bằng lái xe ô tô tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước sập bẫy 2 đối tượng trên.

"Nổ" có thể làm bằng lái xe ô tô rồi chiếm đoạt gần 20 triệu đồng
Đầu năm 2024, Công an tỉnh Bắc Kạn bắt giữ một đối tượng có hành vi nhận làm bằng lái xe ô tô rồi chiếm đoạt tài sản.

Theo hồ sơ vụ án, đối tượng bị bắt là Lâm Thạnh Di (SN 1992, trú tại tổ 5, Khóm Vĩnh Phước 1, phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang).

nhan-lam-bang-lai-chiem-doat-tai-san-1614-1727232754.jpeg

Lâm Thạnh Di bị bắt vì nhận làm bằng lái xe ô tô rồi chiếm đoạt tài sản. (Ảnh: Công an Bắc Kạn)

Trước đó, vào khoảng tháng 9/2023, anh C.X.D (SN 1983, trú tại Tiểu khu Đèo Gió, thị trấn Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) có nhu cầu học bằng lái ô tô hạng FC.

Trong quá trình tìm hiểu trên mạng xã hội Facebook, thấy tài khoản mang tên "Trần Việt Hoài" đăng tải nhiều nội dung hỗ trợ đăng ký thi giấy phép lái xe, đăng ký thi nâng hạng giấy phép lái xe hạng D, E, FC nên anh D. đã liên hệ và kết bạn qua Zalo theo hướng dẫn của chủ tài khoản Facebook này.

Sau một thời gian trao đổi, hai bên thống nhất về việc cam kết nhận hồ sơ học nâng hạng bằng lái FC của anh D. với số tiền phải nộp là 15,5 triệu đồng.

Sau khi anh D. chuyển số tiền trên theo hướng dẫn của tài khoản Facebook "Trần Việt Hoài", đối tượng đưa ra nhiều lý do không đúng với thỏa thuận trước đó, đồng thời chặn mọi liên lạc với anh D. để chiếm đoạt số tiền trên.

Từ thông tin đó, Công an tỉnh Bắc Kạn đã chủ trì xác lập chuyên án xác minh, truy xét và bắt giữ đối tượng Lâm Thạnh Di tại thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang.

Tại cơ quan điều tra, Di đã khai nhận về hành vi phạm tội của mình.

Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân
Các vụ việc trên cho thấy, phần lớn đối tượng quảng cáo dịch vụ cấp/đổi giấy phép lái xe đều không có địa chỉ thật, không có thông tin trong hệ thống đào tạo lái xe được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Bên cạnh việc có thể bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, việc cung cấp thông tin cá nhân với người lạ như các đối tượng đổi giấy phép lái xe online có thể khiến người dân gặp một số vấn đề như: bị lộ và rao bán thông tin, bị quấy rầy bởi quảng cáo rác, thậm chí bị “hack” mất dữ liệu.

Để phòng ngừa các nguy cơ trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đặc biệt là người có nhu cầu cấp, đổi bằng lái xe nên đến Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của Sở Giao thông Vận tải nơi đã cấp giấy phép lái xe để được hướng dẫn làm thủ tục hoặc có thể thực hiện đổi giấy phép lái xe trực tuyến toàn trình (mức độ 4) trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Người dân tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân thông qua bất kỳ hình thức nào để tránh bị đánh cắp dữ liệu, tiếp tay cho đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, người dân tuyệt đối không thực hiện giao dịch chuyển tiền khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó.

Nếu chẳng may trở thành nạn nhân của một vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần hết sức bình tĩnh, khẩn trương liên hệ với cơ quan Công an gần nhất để làm các thủ tục trình báo.