Vấn nạn hối lộ, nhìn từ vụ án “Chuyến bay giải cứu”

Anh Vũ

23/09/2023 14:27

Theo dõi trên

Từ tháng 4/2020 đến 1/2022, hàng vạn người trên 772 chuyến bay (400 chuyến “giải cứu", 372 chuyến "Combo") đưa công dân về nước tránh dịch Covid-19, bị biến thành con mồi cho nhiều người có chức quyền trục lợi vì mục đích cá nhân. Trung tuần tháng 7/2023, 54 bị cáo trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” được đưa ra xét xử, với các tội danh: Đưa hối lộ; Môi giới hối lộ; Nhận hối lộ; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Lời khai của các bị cáo, cùng các nhân chứng, vật chứng liên quan, thể hiện vấn nạn hối lộ trầm trọng khó ngờ, công cuộc phòng chống tham nhũng còn nhiều gian nan.

21 quan chức nhận hối lộ hơn 500 lần

Cáo trạng cho biết: Khi đại dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng, chống dịch. Chính phủ giao cho Văn phòng Chính phủ cùng tổ công tác của một số bộ, ngành, địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly. Thực hiện chủ trương này, trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, có 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Trong vụ án này, cơ quan chức năng xác định 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.

112-1695453797.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm (Ảnh chụp ngày 12/7/2023)

Việc đưa và nhận hối lộ diễn ra trong thời gian dài, khi 21 bị can có tới hơn 500 lần nhận tiền, tổng cộng gần 165 tỉ đồng. Điển hình là Tô Anh Dũng (cựu thứ trưởng Ngoại giao) nhận 21,5 tỉ đồng; Nguyễn Thị Hương Lan (cựu cục trưởng Lãnh sự, bộ Ngoại giao) nhận hơn 25 tỉ đồng; Vũ Hồng Nam (cựu đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, cũng là thứ trưởng Ngoại giao từ năm 2014) nhận gần 2 tỉ đồng…
Ngoài Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ GTVT đều có cán bộ vướng vòng lao lý. Trong đó, Nguyễn Quang Linh (cựu trợ lý Phó thủ tướng Phạm Bình Minh) nhận hối lộ 5 lần với tổng số hơn 4,2 tỉ đồng; Phạm Trung Kiên, cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, nhận 253 lần, với tổng số hơn 42,6 tỉ đồng (nhiều nhất trong các bị cáo). Tổng số 21 bị cáo nhận hối lộ thì 18 bị cáo (bao gồm Tô Anh Dũng, Nguyễn Quang Linh, Phạm Trung Kiên, Nguyễn Thị Hương Lan…) cùng bị truy tố theo Điểm a Khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi năm 2017; đối diện các khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình.    

Làm khó doanh nghiệp để moi tiền

Bị cáo Đào Minh Dương - giám đốc Cty CP Vijasun - khai: Sau khi nộp hồ sơ xin cấp phép chuyến bay tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) mà không liên hệ cá nhân nào để xin được cấp phép, Dương bị ép đưa tiền và bị gây khó khăn. Ban đầu Dương nộp hồ sơ xin tổ chức chuyến bay tại 5 bộ theo đúng quy định, song liên tục bị Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) và Bộ GTVT từ chối, gây khó khăn. Mặt khác, việc cấp phép lại chỉ được thông báo trước khi tổ chức chuyến bay 1 ngày, khiến doanh nghiệp của Dương cũng như các doanh nghiệp khác gặp rất nhiều khó khăn. Bản thân người dân được giải cứu cũng cần có thời gian trả nhà, thu xếp đồ đạc để chuẩn bị bay về nước mà chỉ được biết trước một ngày, nên cũng rất bất cập. Do bị gây khó, Dương phải chuyển hướng sang xin tại Cục quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an), thông qua Bị cáo Vũ Anh Tuấn - cựu phó trưởng phòng Tham mưu cục này, và qua Bị cáo Phạm Trung Kiên (khi đó là thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên); song Dương cũng luôn bị Tuấn, Kiên quát tháo, dọa nạt, ép đưa tiền. Kiên ra giá 150 triệu đồng cho mỗi chuyến bay. Để được tổ chức 22 chuyến bay, Dương phải đưa cho Tuấn 1,6 tỷ đồng; đưa cho Kiên 1,1 tỷ đồng. Ngoài các khoản này, Bị cáo Dương còn phải đưa hơn 860 triệu đồng cho Bị cáo Vũ Ngọc Minh -  cựu Đại sứ Việt Nam tại Angola, để đưa khách lẻ về nước; do Minh chủ động ra giá 3 triệu đồng với mỗi khách bay.
Bị cáo Phan Thị Mai - giám đốc Cty CP Quốc tế Sao Hà Nội - bị các bị cáo Vũ Anh Tuấn và Phạm Trung Kiên đòi phải có “chi phí cảm ơn” mới được cấp phép bay. Để được cấp phép 15 chuyến bay, Mai đã phải “biếu” Tuấn 360 triệu đồng, Kiên 600 triệu đồng. Cùng việc đưa tiền cho một số quan chức ngoại giao khác, Mai được xác định 9 lần đưa hối lộ, tổng cộng 2,3 tỷ đồng.
Bị cáo Vũ Minh Thắng (giám đốc Cty đầu tư & thương mại Thuận An), sau 8 lần bị Cục Lãnh sự gây khó khăn, đến lần thứ chín mới được cấp phép chuyến bay đầu tiên. Việc này suôn sẻ do Thắng đã "chi" 600 triệu đồng cho Cục trưởng Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan.
Bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh - giám đốc Cty TNHH  G19 Việt Nam - đã “biếu” Phạm Trung Kiên 1,2 tỷ đồng, Vũ Anh Tuấn 1,4 tỷ đồng, “cảm ơn” Tuấn và Kiên đã “hết sức vất vả” giúp Hạnh “khắc phục khó khăn” để được cấp phép.
Đó chỉ là một số ví dụ về tình trạng o ép doanh nghiệp để moi tiền; từ đó đẩy tổng chi phí của những người được giải cứu tăng thêm hàng chục tỉ đồng.

Biện minh khôi hài và bài học sâu sắc

Số tiền đưa và nhận hối lộ trong vụ này mới nghe thật khó tin. Nhưng tại phiên tòa, lời biện minh của các bị cáo từng là cán bộ giữ những cương vị quan trọng của quốc gia lại càng khiến dư luận bất bình, thất vọng, bức xúc.

122-1695453797.jpg
(Từ trái sang phải) Các bị cáo Nguyễn Quang Linh, Nguyễn Thị Hương Lan, Chử Xuân Dũng, Tô Anh Dũng, Vũ Hồng Nam, Phạm Trung Kiên)

Bị cáo Tô Anh Dũng - nguyên thứ trưởng Ngoại giao - cho rằng mình nhận hối lộ vì “không nhận thức được nhận tiền là vi phạm pháp luật”. Là lãnh đạo một bộ quan trọng hàng đầu, lẽ nào Dũng không hiểu, làm gì có chuyện ai đó “biếu” 21 tỷ đồng mà không nhờ vả gì; Dũng càng hiểu không có luật nào, quy định nào cho phép quan chức được nhận tiền của doanh nghiệp khi thi hành công vụ.
Bị cáo Vũ Hồng Nam nói, khi mở gói “quà” ra mới biết là tiền, đã liên hệ trả lại nhưng bị từ chối. Quà là gói tiền, cần gì phải mở ra mới biết; nếu người nhận nhất định trả lại thì thiếu gì cách!
Bị cáo Trần Văn Tân - nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - nói rằng ngay từ lần đầu nhận tiền “biếu” (600 triệu đồng) đã muốn trả lại, nhưng sau đó “do bận phòng chống dịch, nhiều áp lực, thời gian trôi qua rồi… thôi”; và rằng, sau khi nhận nhiều lần, đến 5 tỉ đồng, Tân vẫn “nhận thức đây là tiền doanh nghiệp, không phải tiền ngân sách nhà nước nên mới nhận”. Cũng như với Thứ trưởng Tô Anh Dũng, vị phó chủ tịch tỉnh này thừa hiểu, chẳng có doanh nghiệp nào đưa tiền cho quan chức mà không nhờ cậy hoặc không muốn che đậy điều khuất tất nào đó.
Bị cáo Phạm Trung Kiên, thư ký Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, không có quyền ký quyết định nào mà nhận đến 42 tỉ đồng rồi khai rằng “không chia cho ai, đem đầu tư hết vào đất đai”. Một thư ký có thể can thiệp, góp phần quyết định những công việc quan trọng, trong lúc “nước sôi lửa bỏng”, trấn được số tiền lớn thế mà không chia cho ai đồng nào, là chuyện không thể tin.
Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn - cựu phó giám đốc Công an Hà Nội - nói, vì “rất thương” Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng - phó tổng giám đốc Cty Bầu Trời Xanh (BlueSky) nên thiết kế cho Hằng gặp Hoàng Văn Hưng - trưởng phòng Điều tra của cục An ninh Điều tra (Bộ Công an) nên phạm tội môi giới hối lộ, với số tiền 2,65 triệu USD (tương đương gần 62 tỷ đồng) “chuyển hết” cho Hưng, ai tin được?
Những lời khai như vậy ai nghe cũng biết là ngụy biện, nhằm lấp liếm hành vi phạm tội, hòng gõ vào lòng thương của những người nhẹ dạ, cả tin. Các bị cáo nhận hối lộ đều được coi là những cán bộ được đào tạo bài bản, có trình độ lý luận,  học vị cao, kinh nghiệm thực tế nhiều, hiểu rõ các quy định pháp luật, nên việc họ ngụy biện như thế chỉ khiến đông đảo người dân thêm bất bình. Những cựu cán bộ này khi thi hành công vụ đã sẵn sàng trục lợi vì mục đích riêng, bất chấp nỗi đau  của những người đang gặp khó khăn hoạn nạn, cần cứu giúp nhất. Tội ác và những tình tiết tăng nặng này càng đòi hỏi bản án thật nghiêm minh, hình phạt thật thích đáng.
Thêm nữa, những người nhận hội lộ đều là Đảng viên, thuộc làu quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm. Việc họ đòi và nhận hối lộ không chỉ vi phạm pháp luật, khiến chi phí của những người được giải cứu (trong đó có cả hàng ngàn tù nhân) tăng cao, mà còn vi phạm các quy chuẩn sơ đẳng về đạo đức. Đây cũng là bài học kinh nghiệm sâu sắc về tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp cán bộ; bởi tất cả các bị cáo này trước đó đều được bổ nhiệm “đúng quy trình, thủ tục”.

Trong 54 bị cáo này, 21 bị kết tội “Nhận hối lộ” (theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự - BLHS năm 2015); 23 bị kết tội “Đưa hối lộ" (theo Điều 364 BLHS 2015); 4 bị kết tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" (theo Điều 356 BLHS 2015); 4 bị kết tội “Môi giới hối lộ” (theo Điều 365 BLHS 2015); một bị cáo bị kết tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (theo Điều 174 BLHS 2015); một bị kết cả hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và “Đưa hối lộ".

Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) cho biết: Thực tế, trong khoảng 100 doanh nghiệp được cấp phép, chỉ có khoảng 20 nhóm doanh nghiệp triển khai các chuyến bay đưa công dân về nước, số còn lại cho mượn pháp nhân hoặc đứng ra xin cấp phép rồi bán quyền tổ chức cho pháp nhân khác. Để được phê duyệt cách ly, cũng như cấp phép chuyến bay, đại diện một số doanh nghiệp đã trực tiếp hoặc qua trung gian chi tiền "bôi trơn" cho các lãnh đạo, cán bộ có thẩm quyền tại những bộ, ngành liên quan. Kết quả điều tra xác định, 23 trong số 54 bị can phạm tội đưa hối lộ, thông qua hơn 400 lần chi tiền để đưa hơn 226 tỉ đồng.
Ngoài 54 bị can vừa bị xét xử, vụ án sẽ tiếp tục được điều tra, xử lý ở giai đoạn 2, làm rõ dấu hiệu sai phạm của một số cá nhân khác. Theo kiến nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội,  tại giai đoạn 2 của vụ án, Thứ trưởng bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên sẽ trong số người bị điều tra, xem xét trách nhiệm, vì ông Tuyên là người ký công văn chấp thuận với Bộ Ngoại giao duyệt cấp phép các chuyến bay.

 

 

BÀI LIÊN QUAN
Bạn đang đọc bài viết "Vấn nạn hối lộ, nhìn từ vụ án “Chuyến bay giải cứu”" tại chuyên mục Tư vấn - Bàn tròn. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com