#kỷ nguyên mới

Vì sao ngân hàng có cổ đông sở hữu vượt trần sẽ không được bơm vốn?

Ngân hàng Nhà nước đang thực thi theo Luật các Tổ chức Tín dụng sửa đổi 2024, hướng đến quản lý tỷ lệ sở hữu của cổ đông và nhóm cổ đông theo quy định.

Ngân hàng Nhà nước vừa công bố Dự thảo Thông tư Quy định việc ngân hàng thương mại có cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2024 (Luật các TCTD).

nh-1-1724050927.jpg
TCTD không được cấp tín dụng hoặc cấp tín dụng mới (trong trường hợp đã cấp tín dụng) cho cổ đông, cổ đông trong nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn hoặc người có liên quan của các cổ đông đó, theo dự thảo Thông tư.

Theo Dự thảo Thông tư, các ngân hàng thương mại sẽ phải phối hợp với cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ xây dựng và thực hiện lộ trình tuân thủ phù hợp với phương án cơ cấu lại hoặc được phê duyệt của cấp có thẩm quyền của cổ đông và người có liên quan để bảo đảm tuân thủ các quy định tại Luật Các TCTD.

Theo đó, ngân hàng sẽ phải rà soát danh sách cổ đông, cổ đông và người có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ. Thời điểm chốt số liệu để xác định danh sách là đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024.

Lộ trình tuân thủ của ngân hàng thương mại phải có tối thiểu các nội dung như danh sách cổ đông, cổ đông và người có liên quan, bao gồm đầy đủ thông tin, giấy tờ pháp lý, số lượng cổ phiếu …; Biện pháp áp dụng (cổ đông giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ngân hàng thương mại đó hoặc biện pháp khác) và các mốc thời gian thực hiện để tuân thủ các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng; Cam kết của ngân hàng thương mại về việc phối hợp, đôn đốc cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ thực hiện việc khắc phục theo đúng lộ trình nêu trên.

Đáng chú ý, dự thảo quy định, ngân hàng và tổ chức, cá nhân liên quan tại lộ trình tuân thủ có trách nhiệm thực hiện lộ trình tuân thủ đã gửi NHNN. Trong thời gian thực hiện lộ trình tuân thủ, trường hợp cần thiết, ngân hàng phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan điều chỉnh biện pháp áp dụng và lộ trình thực hiện nhưng phải đảm bảo thời hạn lộ trình tuân thủ.

Cổ đông, cổ đông và người có liên quan tại ngân hàng thương mại sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ không được tăng số lượng cổ phiếu nắm giữ tại ngân hàng dưới mọi hình thức cho đến khi đảm bảo tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định, trừ trường hợp nhận cổ phiếu thưởng hoặc cổ tức bằng cổ phiếu.

Đồng thời, kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, TCTD không được cấp tín dụng hoặc cấp tín dụng mới (trong trường hợp đã cấp tín dụng) cho cổ đông, cổ đông trong nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt giới hạn hoặc người có liên quan của các cổ đông đó.

Ngoài ra, cổ đông, nhóm cổ đông có liên quan đang sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ chưa được nhận cổ tức bằng tiền mặt (nếu có) đối với số cổ phần nắm giữ vượt giới hạn cho đến khi đảm bảo tuân thủ giới hạn sở hữu cổ phần theo quy định.

Trường hợp ngân hàng thương mại, cổ đông, cổ đông và người có liên quan không thực hiện đúng theo lộ trình tuân thủ, tùy theo tính chất, mức độ, NHNN sẽ xem xét, áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Chia sẻ với DĐDN về các quy định tại thông tư, một chuyên gia lĩnh vực ngân hàng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang thực thi theo Luật các Tổ chức Tín dụng sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2024, quản lý tỷ lệ sở hữu của cổ đông và nhóm cổ đông hướng đến theo khung trần quy định.

Về mặt lý thuyết, ông này phân tích, nhà quản lý sẽ ban hành các Thông tư, văn bản dưới để thực hiện Luật và chắc chắn cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu để đưa ra các điều kiện nhằm thực thi Luật hiệu quả nhất. Việc không cho phép Cổ đông, cổ đông và người có liên quan tại ngân hàng thương mại sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ không được tăng số lượng cổ phiếu nắm giữ tại ngân hàng dưới mọi hình thức hoặc không cấp tín dụng mới các cổ đông và người liên quan… là nhằm để thực thi quy định của Luật trong khoảng thời gian chuyển tiếp.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, điều quan trọng vẫn không hẳn nằm ở chỗ quản lý về tỷ lệ sở hữu cổ phần ở mức trần nào tại ngân hàng, mà là quản lý, giám sát dòng tiền từ vốn và tín dụng tại nhà băng đó. Kinh nghiệm và thực tế chung ở các thị trường cho thấy nhiều trường hợp ngân sách có chủ sở hữu từ trên 65% nhưng quản lý rất chặt chẽ, hiệu quả, chất lượng tài sản tốt; có trường hợp cũng là ngân hàng gia đình và cũng đảm bảo được an toàn, minh bạch cao; mặt khác lại có trường hợp ngân hàng có cổ đông chia nhỏ, kinh doanh quản trị không hiệu quả, các cổ đông không thực sự gắn bó với hoạt động kinh doanh của ngân hàng…

“Những vướng mắc cần xử lý khi thực hiện Luật Các TCTD 2024 với sự thay đổi về tỷ lệ sở hữu cổ phần của một cổ đông, một cổ đông và người có liên quan, thay đổi cách xác định người có liên quan, sở hữu cổ phần gián tiếp; Đồng thời việcquy định thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định trước đó, đã và đang được nhà quản lý hướng đến tháo gỡ nhằm đạt thực thi hiệu quả. Tin rằng với việc thực hiện theo quy định, các nhà băng có cổ đông vượt trần sẽ phải có phương án sớm theo lộ trình; cũng như có thể kiểm soát được ở mức tốt nhất có thể về tỷ lệ sở hữu cổ phần vượt trần của cổ đông và người có liên quan nhưng không trên sổ sách”, chuyên gia bình luận.

Theo quy định của Luật Các TCTD 2024 có hiệu lực từ 1/7/2024, một cổ đông cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ của một TCTD; Một cổ đông tổ chức không được sở hữu vượt quá 10% vốn điều lệ; Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ.
BÀI LIÊN QUAN