Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Việt Nam bùng nổ trong giai đoạn 2020-2021, tuy nhiên, những rủi ro đầu tư đã bộc lộ qua một số sai phạm xảy ra đầu năm 2022. Điều này khiến nhà đầu tư suy giảm niềm tin vào kênh dẫn vốn quan trọng này.
Những lo ngại về năng lực thanh toán ngày càng tăng khi một số vụ bắt giữ liên quan đến các vi phạm trong phát hành TPDN và sử dụng vốn không đúng mục đích của một số nhà phát triển bất động sản lớn như Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát. Niềm tin của nhà đầu tư cá nhân vào TPDN đã suy giảm xuống mức rất thấp, thể hiện thông qua việc nhiều nhà đầu tư đã vội vàng bán trái phiếu của bất kỳ tổ chức phát hành nào bằng mọi giá để thu tiền về tiền mặt.
Theo nghiên cứu thị trường của VnDirect, hiện một số TPDN riêng lẻ được giao dịch với mức 4-5% thấp hơn mệnh giá, với mức lợi suất khoảng 10% - 12%/năm, có nghĩa là người bán sẵn sàng chấp nhận với mức chiết khấu 14% - 17%.
Từ đó đến nay, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều thông điệp nhằm xoa dịu tâm lý hoang mang của thị trường và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn. Một trong những giải pháp đó là việc ban hành Nghị định 65 sửa đổi.
Tính đến thời điểm hiện tại, Nghị định 65 sửa đổi đang ở trong giai đoạn chờ trình lên Chính phủ và bao gồm một số thay đổi quan trọng.
Cụ thể, Nghị định 65 sửa đổi đề xuất giãn quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp thêm 1 năm, giãn đến 1/1/2024. Cụ thể, tại Nghị định 153 cũ, điều kiện của nhà đầu tư chuyên nghiệp chỉ cần có thu nhập chịu thuế trên 1 tỷ đồng hoặc sở hữu tài sản chứng khoán trên 2 tỷ đồng. Với Nghị định 65 sửa đổi, tài sản chứng khoán bình quân trong 180 ngày liên kề phải từ 2 tỷ đồng trở lên.
Theo VnDirect, việc giãn quy định nói trên sẽ giúp nhiều nhà đầu tư đủ điều kiện để làm nhà đầu tư chuyên nghiệp, tăng cầu tiềm năng từ phía nhà đầu tư. Tuy nhiên, mặc dù nới lỏng, nhưng vấn đề chủ yếu là nhà đầu tư đã mất niềm tin, nên việc tạo điều kiện cũng sẽ cần thời gian để nhà đầu tư ổn định lại.
Nghị định 65 sửa đổi cũng giãn xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đến 1/1/2024. -Nghị định 65 mới yêu cầu bắt buộc trong 2 trường hợp: (1) tổng giá trị trái phiếu huy động trong 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu; (2) tổng dư nợ trái phiếu lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu. Theo VnDirect, quy định này được giãn ra sẽ giúp doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ dễ dàng hơn, tăng cung từ phía doanh nghiệp.
Nghị định 65 mới đề xuất giãn thời gian phân phối trái phiếu từ 90 xuống 30 ngày. Bản chất việc phát hành TPDN riêng lẻ sơ cấp bị giới hạn trong 100 nhà đầu tư và có lô lớn. Vì vậy, thông thường, sẽ rất khó cho nhà đầu tư cá nhân tiếp cận mà phải thông qua các tổ chức tín dụng (ngân hàng và công ty chứng khoán). Vì vậy, theo VnDirect, việc giãn quy định này sẽ giúp các bên phân phối (tổ chức tín dụng) sẽ có thêm thời gian để chào bán những TPDN tốt tới nhà đầu tư, tăng tỷ lệ hấp thụ nguồn cung.
Đặc biệt, Nghị định 65 mới cho phép các trái phiếu đã phát hành (còn dư nợ) được đàm phán với trái chủ (1) gia hạn thêm thời gian lên tối đa là 2 năm và (2) chuyển đổi trái phiếu thành tài sản. Quy định này có hiệu lực từ ngày 1/1/2023. Nghị định 65 không cho phép giãn nợ, dự thảo nghị định 65 mới cho phép doanh nghiệp gia hạn nợ tối đa là 2 năm. Thêm vào đó, luật cũng cho phép chuyển đổi trái phiếu thành khoản nợ hoặc tài sản (cả 2 đều cần có sự đồng ý của ít nhất 65% trái chủ).
VnDirect cho rằng, đây là một trong những thay đổi trọng yếu sẽ quyết định sự sống còn của doanh nghiệp. Trên bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp khó khăn trong môi trường lãi suất cao, việc giãn nợ sẽ giúp các doanh nghiệp có đủ thời gian hồi phục để thu về lợi nhuận và hoàn thành nghĩa vụ nợ. Ngoài ra, việc trả nợ bằng tài sản cũng giúp các doanh nghiệp tránh vỡ nợ cũng như xoa dịu trái chủ nếu giá trị tài sản thỏa đáng.