PHEIC là mức báo động cao nhất của WHO. Hiện có hai bệnh được công nhận là PHEIC, gồm bại liệt và COVID-19. Nhiều nhà khoa học bệnh truyền nhiễm đã dự đoán WHO sẽ công bố tình trạng khẩn cấp tương tự cho bệnh đậu khỉ - căn bệnh lưu hành ở nhiều nước Châu Phi, và trước đây chưa bao giờ lan rộng như hiện nay sang hơn 50 nước ở các lục địa khác với hơn 4.100 trường hợp được ghi nhận.
Báo cáo của ban cố vấn, công bố ngày 25/6, cho thấy có một số ý kiến bất đồng về việc có nên ban hành cảnh báo toàn cầu hay không và cuối cùng các thành viên nhất trí khuyến nghị Tổng Giám đốc WHO rằng ở giai đoạn này bệnh đậu khỉ không phải là PHEIC.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chấp nhận khuyến nghị của ban cố vấn, nhưng sau đó đã ra một tuyên bố cho biết ông “quan ngại sâu sắc” về sự bùng phát bệnh đậu khỉ.
Ý nghĩa của việc công nhận PHEIC là các nước thành viên của WHO sẽ buộc phải tuân theo các khuyến nghị mà cơ quan này đưa ra liên quan đến dịch bệnh, chẳng hạn như chia sẻ dữ liệu. WHO từng bị chỉ trích vì quá chậm trễ trong việc công nhận COVID-19 là PHEIC.
Ban cố vấn cho biết họ sẽ xem xét lại việc công nhận bệnh đậu khỉ là PHEIC nếu có bằng chứng mới cho thấy dịch bệnh tiếp tục lây lan sang các quốc gia khác, các nhóm bệnh nhân mới, hình thành ổ chứa virus mới ở động vật, hoặc mức độ nghiêm trọng của bệnh tăng lên. Thời gian dự kiến đánh giá lại tình hình là sau 21 ngày. Phần lớn các trường hợp đậu khỉ cho đến nay ảnh hưởng đến nam giới quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và rất hiếm trường hợp nhập viện.
Nhiều chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại. “PHEIC là cơ chế cảnh báo toàn cầu về sức khỏe cộng đồng, và tôi lo ngại việc chờ đợi một vài tuần rồi mới thu hút sự chú ý chính trị sẽ có tác động tiêu cực đến tình hình lây nhiễm dịch bệnh,” luật sư về chính sách y tế toàn cầu Alexandra Phelan tại Đại học Georgetown viết trong một email cho tạp chí Science.
Nguồn:
https://www.science.org/content/article/monkeypox-name-pandemic-decision--who