Cụ thể, Theo CTTĐT Chính phủ, xét đề nghị của UBND tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng về việc đề xuất phương án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang – Đà Lạt theo phương thức đối tác công tư (Hợp đồng BOT có sự tham gia của vốn đối ứng nhà nước), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo, giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư các cơ quan liên quan xem xét kiến nghị của hai tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/10/2024.
Cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Đà Lạt (Lâm Đồng) do Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải đề xuất đầu tư; đơn vị lập báo cáo đề xuất đầu tư là CTCP Tư vấn Trường Sơn.
Nội dung tờ trình của hai tỉnh đề xuất chiều dài toàn tuyến là 80,8km, trong đó đoạn đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa khoảng 44km, đoạn qua tỉnh Lâm Đồng khoảng 36,8km. Chiều rộng nền đường từ 22 - 24,75m, bao gồm 4 làn xe. Trên tuyến dự kiến bố trí 5 nút giao thông khác mức liên thông, trung bình 20km/nút; 2 vị trí xây dựng hầm có chiều dài từ 1.440 - 1.560m; 12 cầu có chiều dài từ 488 - 1.048m.
Tổng mức đầu tư khoảng 25.058 tỷ đồng, bao gồm: chi phí giải phóng mặt bằng là 1.171 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị là 18.889 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và các chi phí khác là 1.511 tỷ đồng; lãi vay là 427 tỷ đồng; và chi phí dự phòng là 3.060 tỷ đồng. Về phương án vốn, ưu tiên bổ sung vào danh mục đầu tư từ nguồn ngân sách Trung ương trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 của ngành Giao thông Vận tải.
Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2024 - 2028, trong đó giai đoạn đầu tư xây dựng kéo dài từ năm 2026 - 2028.
Khi hoàn thành, cao tốc Nha Trang - Đà Lạt sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển giữa 2 địa phương còn khoảng 1,5 - 2 giờ (so với hiện tại là từ 3,5 - 4 giờ); tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.