#kỷ nguyên mới

Cần cơ chế đặc thù cho Hà Nội để đẩy mạnh đầu tư chung cư cũ

Trong phiên thảo luận dự án Luật Thủ đô sửa đổi sáng 27.11, đại biểu Quốc hội cho rằng cần có cơ chế chính sách đặc thù riêng cho Hà Nội để thúc đẩy mạnh mẽ việc đầu tư vào các chung cư cũ ở Thủ đô hiện nay.

can-co-che-dac-thu-cho-ha-noi-de-day-manh-dau-tu-chung-cu-cu-1701179455-1701225315.jpg

Một khu tập thể cũ tại Hà Nội

Cần cơ chế đặc thù cho Hà Nội

Góp ý dự thảo luật, đại biểu Tô Ái Vang (Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng) ủng hộ sự cần thiết sớm ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi). Trong đó, đại biểu quan tâm đến quy định liên quan đến phát triển nhà ở, cải tạo chung cư tại các đô thị. Tuy nhiên, đề nghị rà soát có cơ chế chính sách về phát triển, cải tạo chung cư cũ có khác biệt gì so với các quy định trong Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua.

Đại biểu Tô Ái Vang cho rằng, cần có cơ chế chính sách đặc thù riêng cho Hà Nội để thúc đẩy mạnh mẽ việc đầu tư các chung cư cũ ở Thủ đô hiện nay thì mới đưa vào quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Trường hợp nếu các quy định trong dự thảo Luật Thủ đô về vấn đề này mà không có nội dung mới so với Luật Nhà ở (sửa đổi) thì không nên quy định lại để tránh sự trùng lặp.

Góp ý vào Điều 39 phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng TOD, đại biểu cho rằng, việc phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là cơ hội để Hà Nội phát triển đô thị, góp phần giảm tắc đường, là hướng ra để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị và giải quyết bài toán khó về phát triển đô thị.

Tuy nhiên, với mô hình phát triển đô thị mới chưa từng có tại Việt Nam sẽ không tránh khỏi tình trạng xuất hiện hàng loạt các mối quan hệ và các xung đột lợi ích của nhiều bên có thể nằm ngoài năng lực vận hành của thiết chế hiện tại. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nếu xác định TOD là mô hình giao thông mới, mô hình này có sự khác biệt nào so với quy định trong dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ?

Bên cạnh đó, với mô hình này, đại biểu cho rằng cần có thiết kế mới nào để có thể chuẩn bị đảm bảo đầy đủ hơn nữa cơ sở pháp lý để điều chỉnh các mối quan hệ mới xuất hiện, đảm bảo năng lực quản lý tốt mô hình TOD.

Tại Điều 46 vùng Thủ đô có 3 khoản, đại biểu kiến nghị gộp thành 1 khoản và đưa về Điều 3 về giải thích từ ngữ. Đại biểu cũng kiến nghị rà soát khoản 3 Điều 46, dự thảo luật cần bổ sung thêm một chương để làm rõ hơn vai trò của Thủ đô Hà Nội là trung tâm động lực tăng trưởng thúc đẩy phát triển đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước trong thời gian tới.

Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) chỉ rõ, trong khoản 1 Điều 5 luật hiện hành quy định xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước; nhưng lại không có quy định mục tiêu để phát triển Hà Nội như thế nào, do đó phải có mục tiêu, các chính sách, định hướng rõ ràng hơn.

Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị đã nêu, Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại, do đó, đại biểu cho rằng dự thảo Luật cũng phải quy định Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại, từ đó người dân cả nước tham khảo và sẽ có những phấn đấu, đóng góp cho Thủ đô Hà Nội.

Bên cạnh đó, Điều 5 dự thảo mới chỉ quy định xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô. Đại biểu cho rằng cần phải bổ sung cụm từ "giữ gìn" bởi còn liên quan tới văn hóa, lịch sử, là linh hồn của cả nước. Từ đó, đại biểu đề nghị quy định tại Điều 5 là "...trách nhiệm giữ gìn, xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô ngàn năm văn hiến, văn minh và hiện đại".

Các tiêu chuẩn phải hướng tới thủ đô văn minh, hiện đại

Tại phiên họp, đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) cho biết, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, năng lực cạnh tranh quốc gia chính là năng lực cạnh tranh của các đô thị lớn, nơi tập trung tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo đại biểu, Thủ đô Hà Nội cùng với các đô thị lớn của nước ta như các TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ đang gánh vác những trọng trách như vậy. Do đó, đại biểu nhất trí cao với các nội dung của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội theo yêu cầu tại các văn kiện là phải xây dựng, phát triển Thủ đô nhằm đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước…

“Tôi đánh giá cao các quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền Thủ đô trong quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô, bảo đảm thực hiện quy hoạch, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan và xây dựng đô thị cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị để thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 15 của Trung ương về tập trung triển khai quy hoạch đầu tư xây dựng ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống, quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng, tạo sự linh hoạt cho TP. Hà Nội.

Tôi nhận thấy cần thiết bổ sung vào dự thảo Luật một điều khoản để làm sao cho việc quy hoạch đô thị ven sông Hồng, sông Đuống trở thành điểm đột phá, nâng tầm cảnh quan không gian và phát triển Hà Nội văn minh, hiện đại hơn”, đại biểu Yên nhấn mạnh.

Góp ý dự thảo luật, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn ĐHQB TP. Hà Nội) cho rằng, xây dựng Luật Thủ đô phải đặt ra những yêu cầu phát triển cao hơn, phải có cơ chế khai thác các tiềm năng lợi thế nội tại và tạo ra sức hút mạnh mẽ hơn từ bên ngoài; phải quy định được vai trò, trách nhiệm quyền hạn của chính quyền và nhân dân Thủ đô cao hơn so với các địa phương khác của nước. Đại biểu cho rằng, yêu cầu trên phải được xác lập một cách đồng bộ, tổng thể mang tính bao trùm để tạo khuôn khổ pháp lý vượt trội cho Thủ đô phát triển.

Với tinh thần đó, đại biểu cho rằng, xây dựng phát triển quản lý bảo vệ Thủ đô phải quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy hoạch phát triển Thủ đô phải hướng đến các tiêu chí Thủ đô văn hiến, văn minh hiện đại và yêu cầu cao hơn các tiêu chuẩn, quy chuẩn chung của cả nước.