Hàng tồn kho của một công ty bất động sản, ước tính 149 năm mới bán hết

Số ngày tồn kho trung bình của doanh nghiệp bất động sản quý I/2023 cũng lên đến 5.662 ngày, cá biệt là có doanh nghiệp có số ngày tồn kho lên đến 54.334 ngày, hay với tình hình bán hàng như hiện tại, doanh nghiệp phải mất 149 năm mới bán hết giỏ hàng, Ban IV phân tích.

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) vừa có báo cáo phân tích áp lực dòng tiền của doanh nghiệp. 

Theo báo Đầu tư, trên cơ sở phân tích báo cáo tài chính của 1.579 doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, hoạt động trong 10 nhóm ngành cụ thể, báo cáo chỉ ra từ năm 2018 đến 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu các ngành giảm từ giữa năm 2022 đến nay, nghiêm trọng nhất là bất động sản và xây dựng.

Đến quý 2/2023, tình hình vẫn chưa được cải thiện khi doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 của 8/10 ngành đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022, chỉ có ngành công nghệ thông tin là tăng quy mô.

Khi so sánh chi phí lãi vay so với lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp thì thấy tỷ lệ rất đáng kể. Năm 2022, ngành xây dựng có tỷ lệ chi phí lãi vay so với lợi nhuận cao nhất, lên đến 375%, tiếp đó là ngành hàng và dịch vụ tiêu dùng 44,8% và bất động sản 40,2%.

Điều này hàm ý, khi kinh doanh, doanh nghiệp chịu rủi ro chính nhưng thành quả được hưởng không nhiều, bị xói mòn do chi phí tài chính nên không có tích lũy để tái đầu tư.

ton-kho-1699174940.jpg

Ảnh minh họa

Đáng chú ý, doanh nghiệp xây dựng và bất động sản gặp vấn đề lớn nhất về dòng tiền khi số ngày phải thu và số ngày tồn kho tăng lên nhiều lần.

Số ngày phải thu trung bình của doanh nghiệp xây dựng quý 1/2022 là 463 ngày thì sang quý 1/2023 lên đến 1165 ngày. Dù hết quý 2/2023 giảm xuống còn 598 ngày nhưng cũng cho áp lực dòng tiền của doanh nghiệp xây dựng. Bên cạnh đó, số ngày tồn kho trung bình quý 1/2023 lên đến 4.527 ngày, so với 661 ngày của quý 1/2022.

“Số ngày tồn kho trung bình của doanh nghiệp bất động sản quý 1/2023 cũng lên đến 5.662 ngày, cá biệt là có doanh nghiệp có số ngày tồn kho lên đến 54.334 ngày, hay với tình hình bán hàng như hiện tại, doanh nghiệp phải mất 149 năm mới bán hết giỏ hàng”, Ban IV phân tích.

Trước tình hình đó, Ban IV cho rằng các chính sách trước mắt cần tập trung vào hỗ trợ dòng tiền thông qua tiếp cận vốn, giãn, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tạo dòng tiền ngắn hạn đến nửa đầu năm 2024.

Cụ thể, về chính sách tiền tệ, khảo sát của doanh nghiệp cho thấy lãi suất cho vay phải giảm thực sự để hỗ trợ. Vì hiện nay lãi suất dù đã giảm nhưng vẫn còn khá cao so với các nước; ngân hàng cần nhìn vào khả năng trả nợ tương lai của doanh nghiệp để tăng cơ hội tiếp cận tín dụng, chứ không chỉ nhìn vào tài sản thế chấp. Ưu tiên lãi suất thấp cho doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trước đó trong bản công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý 3/2023, Bộ Xây dựng dẫn số liệu báo cáo của 52/63 địa phương cho biết, lượng tồn kho bất động sản trong quý 3/2023 vào khoảng 16.940 căn (bao gồm chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền), trong đó: chung cư 3.196 căn; nhà ở riêng lẻ 6.554 căn; đất nền 7.190 nền. Theo đó, có thể thấy tỷ trọng tồn kho chủ yếu ở phân khúc bất động sản nhà ở riêng lẻ và đất nền của các dự án.

BÀI LIÊN QUAN