Theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, lũy kế từ đầu năm đến ngày 4/10, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 312.067 tỷ đồng, với 15 đợt phát hành ra công chúng trị giá 27.054 tỷ đồng (chiếm 8,7% tổng giá trị phát hành) và 294 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 285.012 tỷ đồng (chiếm 91,3%).
Tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn đạt 144.044 tỷ đồng, giảm 21,1% so với cùng kỳ năm 2023. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm khoảng 72,5% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng khoảng 104.444 tỷ đồng).
Trong phần còn lại của năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 78.878 tỷ đồng; trong đó, có 43,5% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với khoảng 34.317 tỷ đồng. Theo sau là nhóm ngân hàng với gần 8.500 tỷ đồng (chiếm 10,8%). Tính từ đầu năm đến ngày 4/10, tổng giá trị giao dịch trái phiếu phát hành riêng lẻ đạt 750.000 tỷ đồng.
Về diễn biến chung, ngành ngân hàng tiếp tục dẫn dắt hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên thị trường với giá trị 119.307 tỷ đồng, chiếm 81% tổng giá trị phát hành riêng lẻ. Báo cáo từ công ty VnDirect nhận định các ngân hàng đang tăng cường huy động vốn trung và dài hạn để đáp ứng quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Nhìn tổng quan thị trường, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ (nếu loại trừ nhóm ngân hàng) đã giảm 14% so với quý 2 và 44,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cùng với đó, hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn đã tăng mạnh trong quý III và đạt 69.878 tỷ đồng, tăng 31,5% so với quý trước và 18,7% so với cùng kỳ. Trên bình diện chung, nhóm ngân hàng tiếp tục là lực lượng chủ đạo, chiếm 84,4% tổng giá trị mua lại trước hạn với giá trị 59.006 tỷ đồng. Các ngân hàng tập trung chủ yếu vào các trái phiếu có thời hạn còn lại dưới một năm nhằm tối ưu hóa cấu trúc nguồn vốn.