Làm rõ và khắc phục những bất cập về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo và biểu quyết thông qua về mặt nguyên tắc đối với dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

an-toan-giao-thong-1333-1727338170.jpg

Toàn cảnh Phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn)

Nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực
Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát - cho biết, trong những năm qua hệ thống chính sách, pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông ngày càng hoàn thiện nhất là lĩnh vực giao thông đường bộ.

le-tan-loi-1334-1727338170.jpg

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát. (Ảnh: quochoi.vn)

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ bản đầy đủ, kịp thời. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tiếp tục nhận được sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông theo quy định của pháp luật trên các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không dân dụng và hàng hải đã được triển khai tích cực, đồng bộ.

Công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật an toàn giao thông đã cơ bản được triển khai thực hiện tốt; Hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng được chú trọng đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp; Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông của lực lượng chức năng đạt kết quả cao; Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và hoạt động hợp tác quốc tế trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đã được tiến hành thường xuyên, liên tục;...

Theo đó, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ có những chuyển biến tích cực, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người tham gia giao thông được nâng cao; số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông tiếp tục giảm, nhất là số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải được kiềm chế.

Các nhóm giải pháp trọng tâm về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập như công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn nhiều hạn chế. Công tác xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch chưa sát với yêu cầu thực tiễn, áp dụng trong thời gian ngắn đã phải điều chỉnh hoặc thay thế.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông còn có phần hạn chế; Kết quả kiểm chế và làm giảm tai nạn giao thông chưa vững chắc, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ vẫn còn ở mức cao; Việc áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ trong đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông ở một số loại hình, địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu.

Trên cơ sở phân tích nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, Đoàn giám sát đã đưa ra các nhóm giải pháp trọng tâm và nhiều kiến nghị cụ thể. Trong đó, nhấn mạnh, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Khắc phục những bất cập về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

tran-thanh-man-1336-1727338170.jpg

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn)

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, kết quả giám sát cho thấy, việc lựa chọn chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là “trúng“ và “đúng“ đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra. Đoàn Giám sát làm việc nghiêm túc, đi sâu vào 5 lĩnh vực, gồm: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không dân dụng, hàng hải.

Đánh giá báo cáo được xây dựng công phu, nhiều thông tin, số liệu, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần thể hiện cô đọng, sắc nét; nội dung có trọng tâm, trọng điểm hơn. Trong đó, cần làm rõ công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật an toàn giao thông được triển khai kết quả cụ thể ra sao? Ý thức chấp hành giao thông của người tham gia giao thông chuyển biến như thế nào? Vấn đề kỷ cương trong thực hiện pháp luật? Đánh giá kỹ lưỡng, đậm nét đối với lĩnh vực giao thông đường bộ;...

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, đánh giá cụ thể những chuyển biến trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ sau khi Quốc hội ban hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ;... Ngoài ra, cần rà soát một số nội dung trong báo cáo còn trùng lắp; các kiến nghị/ giải pháp đưa ra tại Nghị quyết cần phải rõ ràng, gắn với chủ thể thực hiện và thời gian hoàn thành;...

Về nội dung tổ chức thực hiện, đề nghị, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, cần tách bạch rõ: Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với các cơ quan liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn tiếp tục giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về đảm bảo, trật tự an toàn giao thông; đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Để tăng cường hiệu quả, các cơ quan báo chí thông qua kết quả giám sát, chắt lọc, tiếp tục thông tin tuyên truyền về trật tự, an toàn giao thông nói chung trên cả 5 lĩnh vực và đặc biệt nhấn mạnh về an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, tập trung, chú trọng tuyên truyền về hai luật Quốc hội vừa ban hành là Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

tran-hong-ha-quohoi-1337-1727338170.jpg

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. (Ảnh: quochoi.vn)


Nêu ý kiến tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Chính phủ đồng tình cao việc lựa chọn nội dung chuyên đề giám sát cũng như quá trình triển khai giám sát. Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giúp Chính phủ tổng kết, đánh giá công tác thực hiện cũng như tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Thống nhất cao những ý kiến tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, bối cảnh năm 2023 Quốc hội vừa ban hành Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Do đó, việc đánh giá việc thực hiện trật tự, an toàn giao thông đối với lĩnh vực đường bộ cần rất cụ thể; làm rõ những kết quả đạt được, những vấn đề bất cập đã được khắc phục, điều chỉnh ngay trong quá trình tiến hành giám sát.

pho-chu-tich-quoc-hoi-1338-1727338170.jpg

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận phiên họp. (Ảnh: quochoi.vn)

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, việc lựa chọn chuyên đề giám sát là đúng, dư luận đồng tình ủng hộ và được tiến hành song song với việc tổng kết, trình Quốc hội thông qua 02 luật về lĩnh vực đường bộ và các luật khác có liên quan đến đầu tư, nguồn lực, tài chính, kinh tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu dương và đánh giá cao cơ quan được phân công chủ trì đã chủ động, tích cực phối hợp với Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan giúp Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hoạt động đúng chương trình, mục đích, tiến độ của Nghị quyết và kế hoạch đề ra.

Cơ bản nhất trí với bố cục, nội dung của báo cáo, tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, cần tập trung làm rõ hơn trên một số lĩnh vực cũng như các kiến nghị phải sát với kết quả của báo cáo. Trong đó, lưu ý: rà soát số liệu đảm bảo đầy đủ, chính xác, xác định rõ trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, các giải pháp kiến nghị đề xuất cần khái quát nhưng cũng phải cụ thể, bám sát thực tiễn, gắn trách nhiệm của từng chủ thể theo quy định của pháp luật và bảo đảm tính khả thi;...

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho biết, tại phiên họp các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết tán thành thông qua về nguyên tắc dự thảo Nghị quyết Giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023.