Mất gần 100 triệu khi bấm vào link do kẻ giả danh shipper gửi, nhận biết dấu hiệu lừa đảo để không 'mắc bẫy'

Thời gian qua, tình trạng giả danh shipper gọi điện, gửi link lạ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuất hiện ngày càng nhiều. Cơ quan công an đã liên tục phát đi cảnh báo về những thủ đoạn lừa đảo này nhằm khuyến cáo tới người dân.
gia-danh-shipper-lua-dao-nguoi-dan-2126-1728442440.jpg
 

Người phụ nữ mất gần 100 triệu do bấm vào link lạ
Ngày 8/10, Công an Hà Nội cho biết, thời gian qua xuất hiện tình trạng giả danh shipper (nhân viên giao hàng) gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.

Thủ đoạn của những người lừa đảo là thu thập thông tin cá nhân qua việc người dân để lại thông tin cá nhân trên các trang mua hàng online; mua thông tin khách hàng qua các phiên livestream trên mạng xã hội; truy cập vào các trang mua hàng trên nền tảng mạng xã hội…

Sau đó, các đối tượng giả danh là shipper các đơn vị giao hàng uy tín gọi điện hỏi khách có nhà không. Do bận hoặc không có ở nhà để nhận hàng và số tiền thanh toán không lớn nên khách hàng dễ dàng đồng ý chuyển khoản thanh toán cho người lừa đảo.

Sau khi người dân chuyển khoản thành công, đối tượng giả danh shipper sẽ thông báo chưa nhận được tiền hoặc có sự nhầm lẫn số tài khoản, hệ thống sẽ tự động trừ 3 đến 3,5 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng của khách hàng.

Khi nạn nhân muốn lấy lại tiền thì sẽ được gửi link liên kết đến trang web và số điện thoại giả mạo của đơn vị giao hàng để liên hệ.

Khi người dân bấm vào đường liên kết giả mạo thì sẽ có nguy cơ điện thoại bị nhiễm mã độc, bị chiếm đoạt thông tin cá nhân quan trọng và mất quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng, tài khoản ví điện tử, người lừa lúc này sẽ dễ dàng lấy cắp tiền trong tài khoản.

Công an Hà Nội cho biết, vào những ngày đầu tháng 10, Công an phường Bồ Đề, quận Long Biên tiếp nhận tin trình báo của bà H. (66 tuổi) bị người giả danh shipper lừa đảo gọi điện nhận hàng. Do không có nhà, nên bà đã chuyển khoản tiền hàng cho người lạ.

Tuy nhiên, người giả danh shipper đã gọi lại báo chưa nhận được tiền rồi hướng dẫn bà nhấn vào đường link đối tượng gửi. Khi làm theo hướng dẫn xong, bà H. phát hiện hai tài khoản ngân hàng bị mất gần 100 triệu đồng.

Công an Hà Nội khuyến cáo người dân hết sức cảnh giác khi nhận số điện thoại lạ, không chuyển khoản khi chưa trực tiếp nhận hàng đã đặt; không nên chuyển tiền cho người lạ và cần xác minh thật kỹ các thông tin trước khi chuyển khoản; tuyệt đối không đăng nhập vào các đường link do người lạ gửi tới để tránh mắc bẫy lừa đảo.

Hiện nay, các doanh nghiệp bưu chính, chuyển phát đều có website và ứng dụng để tra cứu thông tin mã vận đơn, do đó người dân nên chủ động truy cập để theo dõi đường đi của đơn hàng, đảm bảo đúng đơn hàng đã đặt trước khi nhận hàng.

Khi bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần đến Cơ quan Công an gần nhất trình báo để được hỗ trợ kịp thời.

Giả danh shipper để lừa tiền của hàng trăm người
Vừa qua, Công an TP Hà Nội đã tạm giữ Phan Văn Tùng (SN 1998, HKTT: Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội; hiện trú tại Thanh Trì, Hà Nội) để điều tra, làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn giả danh shipper giao hàng.

Trước đó, vào ngày 27/9/2024, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Công an huyện Thanh Trì đấu tranh, triệu tập đối tượng Phan Văn Tùng.

Đối tượng Tùng khai nhận trước đây từng làm nhân viên giao hàng. Khi làm việc, Tùng phát hiện nhiều khách hàng mua hàng online thường không nhận hàng trực tiếp mà chỉ bảo nhân viên giao hàng gửi lại cho người quen hoặc để lại trước cửa nhà. Sau đó, người mua hàng sẽ gửi số tài khoản để chuyển tiền mua hàng.

Nhận thấy có thể lợi dụng kẽ hở này để chiếm đoạt tiền từ người mua hàng nên Tùng đã tìm thông tin khách hàng rồi sử dụng số điện thoại (sim rác) gọi điện cho khách hàng như: 0342791041, 0586991769, 0588579105, 0587112248… gọi từ 100-200 cuộc điện thoại và giới thiệu là nhân viên giao hàng.

Nếu đầu dây bên kia trả lời là có thể nhận hàng ngay lúc đó thì Tùng tắt máy. Nếu đầu dây bên kia trả lời là không thể nhận hàng ngay lúc đó thì đối tượng thông báo sẽ để bưu kiện hàng vào nhà và đề nghị chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng 103881219692 mang tên NGUYEN TIEN KHANH rồi chiếm đoạt.

Có những khách hàng chủ quan không kiểm tra lại, Tùng tiếp tục gọi điện thông báo có đơn hàng nữa yêu cầu chuyển thêm tiền mua hàng rồi tiếp tục chiếm đoạt.

Với phương thức lừa đảo như trên, chỉ trong một thời gian ngắn, từ tháng 4/2024 đến khi bị bắt, đối tượng đã lừa đảo được hàng trăm khách hàng, số tiền chiếm đoạt được hơn 130 triệu đồng.

Hiện, Công an huyện Thanh Trì đã tạm giữ hình sự đối tượng về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" để điều tra, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Nhận diện các thủ đoạn giả danh shipper để lừa đảo
Chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - CATP Hà Nội cho biết, thời gian gần đây xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới là giả danh shipper lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người mua hàng.

Các đối tượng lợi dụng các buổi livestream bán hàng để thu thập thông tin qua các bình luận công khai của khách hàng hoặc tìm kiếm mua bán thông tin khách từ các nguồn không chính thống.

Khi có được thông tin khách hàng, các đối tượng giả danh shipper của các công ty vận chuyển uy tín để gọi điện thoại cho nạn nhân và thông báo có đơn hàng cần giao, yêu cầu chuyển khoản để thanh toán khi nhận hàng.

Trường hợp nạn nhân ở nhà và nói để ra nhận hàng thì đối tượng hẹn 5-10 phút sẽ đến, sau đó cắt liên lạc, chặn số điện thoại. Nếu nạn nhân không có nhà thì đối tượng nói đã gửi hàng cho bảo vệ, người quen, hàng xóm và yêu cầu nạn nhân nhanh chóng chuyển tiền thanh toán đơn hàng.

Khi nạn nhân chuyển tiền thành công thì đối tượng liền thông báo rằng mình đã gửi nhầm số tài khoản của hội viên shipper hoặc thông báo món hàng của nạn nhân đã bị thu hồi. Để lấy được số tiền nạn nhân đã chuyển mua hàng trước đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân nhập vào đường link do đối tượng cung cấp.

Khi nạn nhân click vào đường link sẽ có 1 đối tượng khác hướng dẫn nạn nhân cách thao tác đăng nhập qua app ngân hàng để lừa đảo chiếm đoạt toàn bộ số tiền trong tài khoản của nạn nhân.

"Các đối tượng lừa đảo thường nhắm vào những nạn nhân có thói quen mua hàng online, nhưng không hay nhận hàng trực tiếp" - chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, CATP Hà Nội nhìn nhận.

Chị V.N.T., trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội, chia sẻ câu chuyện chính mình bị mắc bẫy đối tượng lừa đảo thông qua thủ đoạn mạo danh shipper trong khi chị là người rất cẩn thận khi nhận hàng đặt mua online.

Theo chia sẻ của chị T., chị có thói quen mua hàng online và thường nhận hàng tại địa chỉ nhà. Cuối ngày, khi chị về nhận hàng, kiểm hàng rồi mới thanh toán cho cơ sở.

Ngày 23/9 vừa qua, chị nhận được điện thoại của một shipper nói mình giao hàng và yêu cầu chị T. chuyển khoản. Thông thường chị T. vẫn giữ thói quen tối về kiểm hàng mới trả tiền nhưng hôm đó, người shipper gọi điện liên tục yêu cầu chị chuyển khoản số tiền 230.000 đồng.

Dù chưa biết món hàng là gì nhưng thấy shipper gọi điện liên tục nên chị đành chuyển khoản số tiền nói trên. Nhưng chỉ 5 phút sau khi chị T. chuyển tiền, shipper gọi điện thoại lại nói giao bị nhầm đơn, liên hệ tổng đài để lấy lại tiền.

Khi chị T. liên hệ với tổng đài, nhân viên ở đây nói chị đã gửi thanh toán vào tài khoản đăng ký làm shipper, hàng tháng tài khoản của nạn nhân sẽ bị trừ một khoản tiền nhất định. Nếu chị T. không làm theo hướng dẫn thì hàng tháng sẽ bị trừ 4,5 triệu đồng. Nghi ngờ gặp đối tượng lừa đảo, chị T. cắt liên lạc, chấp nhận bị mất số tiền 230.000 đồng.

Theo chị T., số tiền chị bị mất chỉ có 230.000 đồng nhưng nhiều người xung quanh, có người bị mất tới hàng chục triệu đồng vì chiêu lừa này.

Cơ quan công an đề nghị người dân không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua; không chuyển khoản hoặc thanh toán các đơn hàng không có ảnh chụp rõ mã vận đơn, thông tin người nhận; tuyệt đối không đăng nhập vào các đường link nào do người lạ gửi tới để tránh mắc bẫy lừa đảo của kẻ gian.

Khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường phải dừng ngay giao dịch và báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để kịp thời giải quyết theo quy định của pháp luật.