Nắm trong tay “át chủ bài” của thị trường hàng tỷ USD, Việt Nam có lợi thế lớn để thu hút công nghệ bán dẫn

Thúy Hà

17/11/2023 20:59

Theo dõi trên

Việt Nam sở hữu tiềm năng đất hiếm lớn với trữ lượng khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới. Đây là yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư vào công nghệ bán dẫn.

Tại diễn đàn Khu công nghiệp Việt Nam 2023 với chủ đề “Hướng tới khu công nghiệp xanh, khu kinh tế xanh” được tổ chức ngày 16/11, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, Việt Nam có vị thế lớn với Mỹ, EU, Hàn Quốc về việc tham gia chuỗi công nghiệp bán dẫn của thế giới.

image-20231117145818-1-1700488591.jpeg

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

“2023 là năm khó khăn nhất đối với Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam có đất hiếm và vonfram, đây là hai yếu tố quan trọng đối với chất bán dẫn. Và đất hiếm là con át chủ bài để Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn đang “hot” nhất thế giới”, ông Mại nhận định.

Ông Mại chia sẻ, hiện nay có hàng chục nhà đầu tư xếp hàng và đã bàn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hứa với Thủ tướng sẽ tăng cường khai thác đất hiếm.

Năm 2022, cả nước đã sản xuất 4.500 tấn đất hiếm, dự kiến các năm tới khai thác khoảng 220.000 tấn đất hiếm/mỗi năm. Điều này không những giúp đất nước mà còn cơ cấu lại thị trường đất hiếm thế giới.

image-20231117145818-2-1700488591.jpeg

Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới với 22 triệu tấn

Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, đất hiếm là tên gọi chung của một nhóm 17 nguyên tố hóa học thuộc bảng tuần hoàn: Scandi (Sc), Ytri (Y) và 15 nguyên tố của nhóm Lanthan (La, Ce, Pr, Nd, Pm, Sm, Eu, Gd, Tb, Dy, Ho, Er, Tm, Yb, Lu).

Đây là nguồn tài nguyên quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp như sản xuất thiết bị điện tử, pin, nam châm vĩnh cửu phục vụ cho xe điện, tuabin điện gió, máy bay… Việt Nam sở hữu nguồn tài nguyên đất hiếm vô cùng lớn với trữ lượng khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc 44 triệu tấn, theo Cục Khảo sát địa chất Mỹ.

Hiện nay, mỏ đất hiếm có trữ lượng lớn nhất cả nước là mỏ Đông Pao, ở xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Mỏ Đông Pao là các dãy núi liền kề rộng hơn 132 ha, tổng trữ lượng địa chất quy khô trên 11,3 triệu tấn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam đã bắt đầu khai thác đất hiếm từ khoảng năm 2014. Tuy nhiên, việc khai thác, xuất khẩu đất hiếm của nước ta chưa tương xứng tiềm năng, hình thức khai thác vẫn nhỏ lẻ.

Với công nghệ hiện tại, Việt Nam mới chỉ có thể xuất thô đất hiếm chứ chưa phân tách nguyên tố trong đất hiếm hay tiến hành gia công để có được đất hiếm tinh chế.

Chế biến sâu, không xuất thô đất hiếm

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đất hiếm là rất cần thiết cho phát triển công nghệ bán dẫn, trữ lượng của nước ta cho thấy sự cần thiết khai thác hiệu quả nguồn khoáng sản này.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra 4 điểm quan trọng để phát triển ngành công nghiệp đất hiếm.

Thứ nhất, Việt Nam phải tập trung kêu gọi đầu tư đối với các nước có công nghệ cao như Nhật Bản hoặc Mỹ.

Thứ hai, phải có chính sách chế biến sâu, không xuất thô khoáng sản này.

Thứ ba, phải phát triển được ngành bán dẫn ở Việt Nam để tham gia vào chuỗi cung ứng cũng như sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có của Việt Nam.

Thứ tư, phải tập trung vào vấn đề nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực này, khai thác và chế biến sử dụng cũng như đào tạo nguồn nhân lực.

Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Chính phủ phê duyệt vào tháng 7 vừa qua, Việt Nam sẽ khai thác khoảng 2 triệu tấn quặng đất hiếm nguyên khai/năm. Trong đó, 2 mỏ được tập trung đầu tư khai thác là mỏ Yên Phú (huyện Văn Yên, Yên Bái) và mỏ Đông Pao (huyện Tam Đường, Lai Châu).

Mục tiêu đến 2030 sẽ hoàn thành các đề án thăm dò đã cấp phép tại một số mỏ đất hiếm ở Lai Châu. Thăm dò, mở rộng các mỏ đã cấp phép khai thác và đầu tư mới thăm dò tại Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái. Dự kiến, năm 2030 sẽ hoàn thành đầu tư nhà máy chế biến đất hiếm tại Yên Bái.

Giai đoạn từ 2031-2050, thăm dò bổ sung các mỏ đất hiếm đã cấp phép khai thác và thăm dò mới 1 đến 2 điểm mỏ tại Lai Châu và Lào Cai.

Trong thời gian này, sẽ duy trì hoạt động của các dự án đã đi vào khai thác; đầu tư mở rộng khai thác mỏ Đông Pao và đầu tư mới 3-4 dự án khác tại Lai Châu, Lào Cai nếu có nhà đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Bạn đang đọc bài viết "Nắm trong tay “át chủ bài” của thị trường hàng tỷ USD, Việt Nam có lợi thế lớn để thu hút công nghệ bán dẫn" tại chuyên mục Sản phẩm. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com