Tăng giá trị cho dược liệu của Việt Nam

15/08/2023 10:21

Theo dõi trên

Việt Nam có 10.500 loài thực vật, 1.800 cây thuốc, trong đó, rất nhiều loại có giá trị cao là dược liệu quý được thế giới công nhận như: Sâm ngọc linh, thông đỏ, hoa hòe, trinh nữ hoàng cung, giảo cổ lam… Nhiều loại thảo dược đang được các nhà khoa học ứng dụng công nghệ mới chiết xuất các hợp chất quý để làm dược, mỹ phẩm chăm sóc sức khỏe.

phong-thi-nghiem-cua-vien-khoa-hoc-va-cong-nghe-viet-nam-han-quoc-pld-1692069500.jpg
Phòng thí nghiệm của Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc.

Thời gian qua, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (VKIST) đã có nhiều chương trình phối hợp Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST) thực hiện nhiệm vụ làm cầu nối giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với các doanh nghiệp của hai nước trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng tài nguyên thực vật Việt Nam. Đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu chia sẻ, học tập, thảo luận về việc phát triển ứng dụng nguồn tài nguyên thực vật Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ môi trường và dược, mỹ phẩm.

Tiến sĩ Vũ Đức Lợi, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc cho biết: Việt Nam có nguồn tài nguyên thực vật rất phong phú và đa dạng, đang được nghiên cứu ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện, Viện tập trung cho lĩnh vực công nghệ sinh học; đi sâu vào phát triển các sản phẩm thảo dược Việt Nam, tập trung nâng cao hiệu quả công nghệ chiết tách hợp chất quý hiếm; kế thừa và phát triển những phương thuốc cổ truyền... với tầm nhìn trở thành nhà cung cấp giải pháp công nghệ cho thị trường.

Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc xác định đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp để thực hiện sứ mệnh mà Chính phủ hai nước giao phó. Viện đã bắt đầu nghiên cứu phát triển sản phẩm, công nghệ từ giữa năm 2020 với nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở, cấp bộ, nhiệm vụ cấp quốc gia (Nghị định thư) và bắt đầu có những kết quả, sản phẩm từ những đề tài, dự án khoa học và công nghệ. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc đang thúc đẩy chuyển giao các kết quả, sản phẩm này cho các doanh nghiệp để ứng dụng trong sản xuất.

Để đẩy mạnh nghiên cứu về công nghệ sinh học, Viện được đầu tư phòng thí nghiệm trang bị các loại máy móc hiện đại. Viện chú trọng tăng cường hợp tác nghiên cứu với các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp trong một số lĩnh vực nghiên cứu mũi nhọn. Thời gian qua, Viện đã ký hợp tác với nhiều doanh nghiệp sản xuất dược liệu trong nước như: Công ty cổ phần Dược mỹ phẩm CVI, Công ty cổ phần Nam Dược, Công ty cổ phần Sản xuất Dược liệu Trung ương 28 nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển lĩnh vực công nghệ sinh học.

Nhiều dược liệu trong nước đã được các nhà khoa học nghiên cứu, phát hiện các loại hoạt chất mới có tác dụng tốt cho sức khỏe. Tháng 7 vừa qua, Viện đã chuyển giao thành công kết quả, sản phẩm của đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ “Xác định hoạt chất chống viêm trong dược liệu hy thiêm để nghiên cứu nâng cao hiệu suất chiết xuất hoạt chất từ dược liệu và nâng cấp tiêu chuẩn của các sản phẩm chứa hy thiêm” cho Công ty cổ phần Sản xuất Dược liệu Trung ương 28. Hy thiêm là dược liệu đã được sử dụng trong y học cổ truyền để phòng và chữa các bệnh về xương khớp, gồm có thấp khớp, viêm xương khớp, thoái hóa khớp.

Trên thị trường Việt Nam và thế giới, rất nhiều sản phẩm có hy thiêm là thành phần chính của sản phẩm. Vì vậy, việc kiểm soát chất lượng dược liệu và sản phẩm chứa dược liệu hy thiêm rất quan trọng để bảo đảm tác dụng của chúng. Nhóm nghiên cứu đã phát triển quy trình chiết xuất cao hy thiêm giàu hoạt chất darutoside, xây dựng được tiêu chuẩn dược liệu hy thiêm và cao hy thiêm, xây dựng được chất chuẩn darutoside dùng trong định tính, định lượng.

Với Dự án chế tạo than hoạt tính từ nguồn thảo dược Việt Nam và ứng dụng trong sản xuất dược, mỹ phẩm, Tiến sĩ Mai Thị Nga, nghiên cứu viên Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc cho biết, đây là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam về than hoạt tính sử dụng nguồn nguyên liệu từ cây guột, một loài cây thuộc họ dương xỉ rất phổ biến ở khu vực đồi núi. Nghiên cứu được Tiến sĩ Nga cùng các cộng sự thực hiện từ năm 2018. Trong cây guột có hàm lượng carbon cao chủ yếu là carbon bền khó phân hủy và không chứa nhiều tạp chất, nhất là các kim loại độc hại như thủy ngân, chì, crom.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ hoạt hóa bằng hơi nước kết hợp dòng khí C02 tạo ra vật liệu than hoạt tính, với giá thành rẻ, an toàn và thân thiện với môi trường. Nghiên cứu đã nhận được hai bằng sáng chế của Cục Sở hữu trí tuệ và giải thưởng của Đại sứ quán Mỹ. Dự án đang triển khai ứng dụng than hoạt tính kết hợp cùng các thảo dược thiên nhiên để bào chế một số sản phẩm như kem đánh răng, mặt nạ than hoạt tính...

Các nhà khoa học của Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc và Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc đang phối hợp phát triển các sản phẩm từ quả gấc, một loài dược liệu phổ biến tại Việt Nam. Gấc chứa nhiều thành phần hoạt tính, trong đó có sắc tố thực vật carotenoid và hợp chất có khả năng chống oxy hóa, do đó, các nhà khoa học đang nghiên cứu cơ chế chiết xuất gấc để phát triển sản phẩm ứng dụng tăng cường thị lực và dưỡng da.

Những kết quả nghiên cứu bước đầu trong lĩnh vực sinh học cho thấy Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc đang góp phần gia tăng giá trị cho dược liệu của Việt Nam, từng bước thực hiện mục tiêu trở thành nhà cung cấp giải pháp công nghệ cho thị trường.

Bạn đang đọc bài viết "Tăng giá trị cho dược liệu của Việt Nam" tại chuyên mục Tài nguyên. Thông tin chi tiết xin liên hệ số hotline: 0971.008.956 hoặc gửi email về địa chỉ: bbtpld@gmail.com