Khan hiếm dự án, giao dịch nhà đất chủ yếu đến từ việc mua bán giữa các hộ dân
Hàng loạt địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vừa báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023.
UBND thành phố Đà Lạt cho biết, thời gian qua, các giao dịch bất động sản trên địa bàn chủ yếu là các giao dịch nhỏ, mua bán giữa các hộ dân.
Giai đoạn 2015 - 2018, thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố có những chuyển biến tích cực, dần hồi phục, lượng giao dịch bất động sản tăng đáng kể so với giai đoạn trước đó.
Đến năm 2019, nhiều dự án chậm hoặc không được triển khai, thị trường bất động sản đi vào thời kỳ khó khăn. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư vào bất động sản Đà Lạt vẫn còn rất lớn.
Giai đoạn năm 2021 đến đầu năm 2022 là giai đoạn bùng nổ của thị trường bất động sản Lâm Đồng, hoạt động giao dịch sôi động.
Đến nửa cuối năm 2022, nhất là trong quý 4/2022, thị trường bất động sản đối diện với nhiều khó khăn về tài chính, thủ tục pháp lý, hoạt động của doanh nghiệp bất động sản, lượng giao dịch giảm mạnh.
Tương tự Đà Lạt, giai đoạn từ năm 2015 - 2023, thị trường bất động sản thành phố Bảo Lộc có chiều hướng diễn biến tích cực, đặc biệt sôi động trong giai đoạn từ năm 2019 đến giữa năm 2022. Tuy nhiên, từ giữa năm 2022 đến cuối năm 2023, thị trường rơi vào giai đoạn trầm lắng.
Theo số liệu do Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thành phố cung cấp, giai đoạn từ năm 2015 - 2023 trên địa bàn thành phố Bảo Lộc có 88.455 hồ sơ giao dịch, chuyển nhượng bất động sản.
UBND huyện Đơn Dương cho biết, trong giai đoạn 2015 - 2023, trên địa bàn huyện chưa có dự án nào về bất động sản và nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng.
Số liệu do Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện cung cấp, từ năm 2015 đến hết năm 2023, trên địa bàn huyện có 43.482 hồ sơ giao dịch, chuyển nhượng bất động sản.
Trong giai đoạn từ năm 2018 đến cuối năm 2022 giá giao dịch, mua bán bất động sản tại huyện Đơn Dương đã tăng lên. Tuy nhiên từ đầu năm 2023 đến nay, giá giao dịch bất động sản đã giảm dần, thị trường trầm lắng.
UBND huyện Đức Trọng cho biết, tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn trong giai đoạn từ năm 2015 đến hết năm 2023 có chiều hướng diễn biến tích cực, đặc biệt sôi động trong giai đoạn từ năm 2019 đến giữa năm 2022.
Số liệu do Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện cung cấp, từ năm 2015 đến hết năm 2023 trên địa bàn huyện Đức Trọng có 314.735 hồ sơ giao dịch bất động sản.
Trong giai đoạn từ 2015 đến giữa năm 2022, giá giao dịch bất động sản trên địa bàn huyện Đức Trọng có diễn biến chiều hướng tích cực, tăng lên. Tuy nhiên, từ giữa năm 2022 đến nay, giá giao dịch giảm dần, thị trường trầm lắng.
Cũng trong giai đoạn nói trên, trên địa bàn huyện Đam Rông chưa có dự án nào về nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng. Hiện nay, UBND huyện đang chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn kêu gọi thu hút đầu tư 4 dự án khu dân cư.
Tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn huyện Đam Rông giai đoạn từ năm 2015 đến hết năm 2023 có chiều hướng diễn biến tích cực, đặc biệt sôi động từ năm 2021 đến giữa năm 2023.
Theo số liệu do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện cung cấp thì từ năm 2015 đến hết năm 2023 trên địa bàn huyện có 9.831 hồ sơ giao dịch, chuyển nhượng bất động sản.
Tương tự, giai đoạn 2015 đến 2023, trên địa bàn huyện Bảo Lâm không có dự án nào được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Theo số liệu do Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện Bảo Lâm cung cấp, từ năm 2015 đến hết năm 2023 trên địa huyện có 73.734 hồ sơ giao dịch, chuyển nhượng bất động sản.
Cũng trong giai đoạn nói trên, các giao dịch bất động sản trên địa bàn huyện Di Linh chủ yếu là giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất (nhà ở riêng lẻ) giữa các hộ gia đình, cá nhân.
Giao dịch đất nền hiện đang tập trung chủ yếu tại những địa phương nào?
Thống kê từ Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong thời gian gần đây, số lượng giao dịch đất nền trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu tại các địa phương như huyện Bảo Lâm, huyện Đức Trọng, huyện Lâm Hà, huyện Di Linh, thành phố Bảo Lộc,…
Cụ thể, trong quý 1/2023, số lượng giao dịch đất nền tại Lâm Đồng là 3.246 giao dịch. Trong đó tập trung chủ yếu tại huyện Bảo Lâm với 1.127 lô; huyện Đức Trọng với 506 lô; thành phố Bảo Lộc với 476 lô; huyện Lâm Hà với 442 lô.
Bước sang quý 2/2023, số lượng giao dịch đất nền tại Lâm Đồng là 5.160 lô. Trong đó, tập trung chủ yếu tại huyện Bảo Lâm với 1.253 lô; huyện Lâm Hà với 775 lô; huyện Di Linh với 647 lô; thành phố Bảo Lộc với 611 lô.
Trong quý 3/2023, trên địa bàn tỉnh có 4.930 lô đất nền giao dịch thành công.
Trong quý 3/2023, số lượng giao dịch đất nền tại Lâm Đồng tập trung chủ yếu tại huyện Bảo Lâm với 1.079 lô; huyện Lâm Hà với 807 lô; huyện Đức Trọng với 788 lô; huyện Di Linh với 699 lô;…
Riêng quý 4/2023, toàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận có 4.140 lô đất nền giao dịch thành công. Trong đó, tập trung chủ yếu tại huyện Bảo Lâm với 797 lô; huyện Lâm Hà với 753 lô; huyện Đức Trọng với 738 lô; huyện Di Linh với 429 lô;…
Và gần đây, trong quý 1/2024, toàn tỉnh Lâm Đồng ghi nhận có 3.811 lô đất nền giao dịch thành công. Trong đó, tập trung chủ yếu tại huyện Bảo Lâm với 925 lô; huyện Đức Trọng với 679 lô; huyện Lâm Hà với 562 lô; huyện Di Linh với 383 lô;…