Lo âu vì “tháng Ngâu”
Anh Minh Hiếu – một môi giới bất động sản mới vào nghề - quyết định tìm thêm công việc tay trái là tài xế giao hàng công nghệ do 3 tuần nay không tìm được khách hàng có nhu cầu mua nhà.
“Tôi nghe đồng nghiệp khuyên kiếm việc làm tạm trong tháng này vì giờ là thời điểm này “kén khách”. Lúc đầu tôi tưởng mọi người chỉ nói đùa, nhưng đã thử mọi cách được hướng dẫn nhưng vẫn không tìm được khách nào có nhu cầu xem nhà”, anh Hiếu chia sẻ.
Vị môi giới cho biết, vẫn đều đặn đăng tải các thông tin về sản phẩm, thậm chí tháng 7-8 này các thông tin về khuyến mãi còn hấp dẫn hơn trước. Tuy nhiên, số lượng tương tác anh nhận được giảm mạnh, hầu như không có khách hàng. Đã 2 tháng trôi qua mà anh Hiếu vẫn chưa chốt được giao dịch nào.
Báo cáo của một đơn vị nghiên cứu thị trường chỉ ra nhu cầu tìm kiếm đất nền TP.HCM giảm 32%, biệt thự/nhà phố giảm 5%, nhà riêng giảm 12% và đất thổ cư giảm 17% so với cùng kỳ 2021.
Căn hộ chung cư là loại hình duy nhất ghi nhận nhu cầu tìm mua gia tăng, với mức tăng khoảng 3% so với cùng kỳ 2021. Tuy nhiên, nhu cầu mua chủ yếu tập trung vào các dự án cũ, hoàn thiện và đang giao dịch trên thị trường thứ cấp với tầm giá trên dưới 40 triệu đồng/m2, lượng tìm mua các sản phẩm sơ cấp không tăng trưởng nhiều.
Một môi giới khác tên Hồng cho rằng tình trạng giao dịch giảm trong tháng 7 âm lịch là điều dễ hiểu bởi thời gian này khách hàng có tâm lý e ngại thực hiện các giao dịch lớn như mua nhà hay mua xe.
“Trong thời gian này chỉ có thể mong chờ giao dịch từ người thân quen chứ khó có thể tìm khách hàng mới. Thời điểm này chỉ có thể thuyết phục khách đặt cọc giữ chỗ rồi sang tháng sau giao dịch, còn lại chốt giao dịch trong tháng này thì không có mấy”, anh Hồng cho biết.
Các môi giới kỳ vọng tình trạng sẽ khả quan hơn vào tháng 9 (qua tháng Ngâu). Tuy nhiên điều này vẫn khó có thể xảy ra trong bối cảnh giá nhà đất vẫn đang treo ở ngưỡng cao và các yếu tố chi phối như lạm phát, chi phí xây dựng, chi phí nhân công vẫn hiện hữu. Đặc biệt các chính sách siết tín dụng tiếp tục kéo dài, nguồn vốn vay khó tiếp cận đối với cả người có nhu cầu ở thực và nhà đầu tư.
Số liệu thực tế cho thấy tình trạng sụt giảm nguồn cầu đã xuất hiện từ trước thời điểm tháng Ngâu.
Theo báo cáo mới nhất của DKRA, tỷ lệ hấp thụ chung các dự án mới đang ở mức thấp nhất từ đầu năm đến nay, dao động phổ biến chỉ từ 40-60% giỏ hàng mở bán trong tháng. Giá bán sơ cấp các giai đoạn tiếp theo không nhiều biến động tuy nhiên giá cũng như thanh khoản thứ cấp tiếp nối đà giảm từ nửa cuối Q2/2022.
Ở thị trường đất nền, sức cầu chung toàn thị trường đạt 48% giảm đáng kể so với các tháng trước đó, giảm 6% so với tháng 6 và giảm 26% so với tháng 5.
Khó dự đoán thị trường
Nhận định về thị trường bất động sản, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết đang có nhiều biến động mạnh khiến giá sản phẩm tiếp tục tăng trong khi thanh khoản giảm dần. Với tình hình thanh khoản xuống thấp như hiện tại thì các nhà đầu tư buộc sẽ phải có phương án giảm giá sản phẩm nếu muốn đẩy hàng.
“Các thông tin về giảm giá sẽ không được công khai bởi các chủ đầu tư mà chỉ có thể đến tai người dùng thông qua các nhân viên kinh doanh, môi giới”, ông Hiển nói.
Đồng tình với ý kiến trên, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận xét sự sụt giảm thanh khoản ở thời điểm hiện tại đang thể hiện rất rõ. Thậm chí động thái giảm giá thoát hàng của các nhà đầu tư thứ cấp cũng không mang lại kết quả mong muốn.
Trả lời câu hỏi về chuyển biến thị trường trong thời gian tới, ông Hiển cho rằng hiện tại khó có thể dự đoán liệu thị trường bất động sản sẽ phát triển theo hướng nào. Theo ông Hiển, giữa các chuyên gia cũng đã có những ý kiến trái chiều liên quan đến giá bất động sản sẽ tăng hay giảm những tháng tiếp theo.
“Các chuyên gia khi đưa ra các nhận định về thị trường đều muốn hướng tới các thông tin tích cực, có lợi cho thị trường. Tuy nhiên khó có thể né tránh sự thật rằng thị trường bất động sản hiện đang chững lại”, ông Hiển nói.
Ông Thịnh chỉ ra các yếu tố cần quan sát đó chính là sự phát triển của nền kinh tế chung, tình hình sản xuất, kinh doanh và thu nhập của người dân được cải thiện,… Đây là các dấu hiệu khả quan để kỳ vọng thị trường bất động sản có thể ấm lên trong thời gian tới.