Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam

Theo PGS, TS Phạm Trần Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình về đào tạo bán dẫn hiện chưa chuẩn hóa, cập nhật, chưa có mã ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thiết kế vi mạch, hay công nghệ bán dẫn.

bo-truong-huynh-thanh-dat-491jpg-1713371232.jpg

Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội thảo. 


Sáng 17/4, tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Định hướng nghiên cứu Khoa học và Công nghệ và phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam”.

Hội thảo do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức nhằm nhận diện về thực trạng và định hướng nghiên cứu, phát triển công nghệ bán dẫn tại Việt Nam; đánh giá nhu cầu nhân lực và định hướng đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực bán dẫn tại Việt Nam; và kết nối giữa các tổ chức nghiên cứu, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực bán dẫn.

Bước chuyển của Việt Nam để gia nhập thị trường bán dẫn

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhận định: "Người ta ví những con chip bán dẫn nói riêng, ngành bán dẫn nói chung như những "hạt gạo" bởi nó nuôi sống toàn bộ các lĩnh vực khác nhau trong kỷ nguyên công nghệ, là chìa khóa cho các công nghệ số trong tương lai. Ngành công nghiệp bán dẫn đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu, với quy mô thị trường toàn cầu đạt trên 520 tỷ USD năm 2023 và vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh".

Trong hơn 30 năm qua, chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn đã được định hình và có hàng rào gia nhập cao, rất khó để các quốc gia đang phát triển có thể tham gia. Tuy vậy, với sự tái định vị chuỗi giá trị ngành bán dẫn sau Covid-19 và sự cạnh tranh công nghệ giữa các nền kinh tế lớn, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội và các yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, có tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã và đang xây dựng hành lang pháp lý nhằm tạo điều kiện cho việc ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển bán dẫn. Theo đó, Luật Đầu tư và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã bổ sung các ưu đãi đặc biệt cho các dự án công nghệ cao, quy mô lớn, giá trị gia tăng cao, trong đó bao gồm các dự án sản xuất bán dẫn.

hoi-thao-ban-dan-4549jpg-1713371232.jpg

Toàn cảnh Hội thảo “Định hướng nghiên cứu Khoa học và Công nghệ và phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam”.

Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Chiến lược phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã xác định “công nghệ sản xuất chip vi điều khiển, linh kiện bán dẫn…” là một trong những công nghệ lõi được định hướng phát triển trong thập kỷ tới. Thời gian qua, nhiều Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia đã được xây dựng và bắt đầu triển khai nhằm cụ thể hóa Chiến lược, tiêu biểu là: Chương trình Sản phẩm quốc gia, chương trình KC 4.0/19-25 về các công nghệ tiêu biểu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Chương trình KC.03/21-30 về cơ khí tự động hóa, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao…

Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực vi mạch, hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đang tiếp tục triển khai thông qua Đề án “Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (Quyết định số 1851/QĐ-TTg ngày 27/12/2018) và “Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực Khoa học và Công nghệ ở trong nước và ngoài nước bằng NSNN” (Quyết định số 2395/QĐ-TTg ngày 25/12/2015).

Trong đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tập trung triển khai vào các nội dung liên quan đến tiếp nhận công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực thiết kế và sản xuất phần cứng vi mạch tiên tiến trên thế giới. Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tiếp tục chỉ đạo triển khai các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp trong lĩnh vực vi mạch điện tử.

Tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu

Hội thảo “Định hướng nghiên cứu Khoa học và Công nghệ và phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam” lắng nghe nhiều ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học, đại diện các doanh nghiệp về các hướng nghiên cứu chính để phát triển công nghệ sản xuất chip và linh kiện bán dẫn, đề xuất định hướng nghiên cứu phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn trong từng công đoạn sản xuất: thiết kế, chế tạo, đóng gói, kiểm thử, chuyển giao công nghệ, phân phối sản phẩm vi mạch bán dẫn; nghiên cứu phát triển các thiết bị sản xuất vi mạch bán dẫn và các sản phẩm liên quan.

Đồng thời, Hội thảo cũng bàn về các giải pháp để phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, trong đó có tính đến sự đóng góp của nguồn nhân lực chất lượng cao từ các chuyên gia là người Việt Nam ở nước ngoài, cũng như các giải pháp nhằm kết nối các viện, trường, doanh nghiệp để hình thành hệ sinh thái trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn tại Việt Nam.

nguyen-anh-thi-1959jpg-1713371232.jpg

PGS, TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh phát biểu.

Theo PGS, TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, nỗ lực phát triển ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam có thể chia thành ba cột mốc quan trọng. Cột mốc đầu tiên gắn với sự ra đời của Nhà máy Z181 những năm cuối thập niên 80 của thể kỳ trước.

Cột mốc thứ hai gắn với sự thu hút thành công Tập đoàn Intel đặt nhà máy đóng gói tại Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, gắn với nó là sự thành lập Trung tâm đào tạo và thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nửa đầu của thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21.

Cột mốc thứ ba là đầu thập kỷ này, gắn với chiến lược tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu ngành vi mạch bán dẫn của Mỹ với Đạo luật Chips năm 2022. Theo chiến lược của Mỹ thì Đông Nam Á, và châu Mỹ la-tinh sẽ là các khu vực bảo đảm dịch vụ đóng gói trong chuỗi cung ứng toàn cầu ngành vi mạch bán dẫn.

Có thể nói các nỗ lực gắn với cột mốc thứ hai đầu những năm 2000 đã tạo những tiền đề quan trọng để Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu ngành vi mạch bán dẫn trong những năm tới.

Theo các diễn giả, đến nay Việt Nam có khoảng 50 doanh nghiệp làm về dịch vụ thiết kế vi mạch, trong đó phần lớn là doanh nghiệp FDI trong ngành vi mạch bán dẫn từ các nước, vùng lãnh thổ phát triển như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan... với lực lượng lao động ước gần 5.000 kỹ sư. Phần lớn các doanh nghiệp này đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong lĩnh vực đóng gói vi mạch, sau Intel, Amkor và Hana Micron đã xây dựng dựng nhà máy tại Việt Nam. Các doanh nghiệp quan trọng nằm trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đóng gói như Besi bắt đầu dịch chuyển vào Việt Nam. Cùng với đó, nhiều công ty trong nước cũng đã gia nhập thị trường như Viettel, FPT, VNChip,… Dự báo đến năm 2024, công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt giá trị 6,16 tỷ USD.

Theo thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông, dự báo quy mô ngành bán dẫn tại Việt Nam đến năm 2030 ước đạt 20-30 tỷ USD, nhưng chỉ mới có hai doanh nghiệp nội là FPT và Viettel tham gia thị trường này ở công đoạn đầu tiên. Về sản xuất, Việt Nam đã có nhà máy đóng gói và kiểm thử của một số tập đoàn lớn như Intel hay Amkor, nhưng chưa có bất kỳ cơ sở chế tạo nào.

Những cứ liệu trên cho thấy Việt Nam có tiềm năng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu ngành vi mạch bán dẫn trong các công đoạn thiết kế và đóng gói.

"Vấn đề mang tính chiến lược đặt ra đối với Việt Nam là làm thế nào Việt Nam có thể tận dụng được sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu ngành vi mạch bán dẫn đang diễn ra hết sức mạnh mẽ và khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của mình để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, một ngành công nghiệp có tính chiến lược cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước?", PGS Nguyễn Anh Thi trăn trở.

Ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư mỗi năm

nguyen-hoang-cuong-8529jpg-1713371232.jpg

Ông Nguyễn Hoàng Cương, Trưởng Ban công nghệ bán dẫn Tập đoàn Viettel phát biểu.

Ông Nguyễn Hoàng Cương, Trưởng Ban công nghệ bán dẫn Tập đoàn Viettel dẫn số liệu tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, Việt Nam cần ít nhất 50.000 kỹ sư vào năm 2030, gấp 10 lần con số hiện nay, để có chỗ đứng trên bản đồ bán dẫn thế giới. Gần đây, khi ngành chip thiếu hụt nhân lực trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp đang quay trở lại Việt Nam. Muốn đạt kế hoạch 50.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn, các trường đại học phải tăng gấp 10 lần quy mô nhân sự so với toàn bộ thành quả gần 20 năm qua (hơn 5.000 người).

Theo ông Nguyễn Hoàng Cương, người Việt có lợi thế lớn về nguồn nhân lực, với năng khiếu trong các ngành toán, kỹ thuật, công nghệ và khoa học (STEAM) - đều là yếu tố căn bản trong việc làm chip, từ lợi thế nhân lực sẽ tạo ra lợi thế khác, từ trung tâm toàn cầu về nhân lực bán dẫn sẽ dẫn tới trung tâm toàn cầu về công nghiệp bán dẫn.

Tính riêng lĩnh vực thiết kế chip, để đáp ứng mục tiêu phát triển, Viettel có nhu cầu nguồn nhân lực đến năm 2030 là hơn 500 kỹ sư và năm 2035 là hơn 1.000 kỹ sư. Trong đó có hơn 20% nhân sự có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Về cơ cấu chuyên môn, khoảng 10% kỹ sư tham gia thiết kế kiến trúc hệ thống chip, 30% kỹ sư tham gia vào công đoạn thiết kế nguyên lý (front-end design), 30% kỹ sư tham gia vào công đoạn kiểm định thiết kế (verification) và 30% kỹ sư tham gia vào công đoạn thiết kế vật lý (back-end design).

truong-viet-anh-2419jpg-1713371232.jpg

PGS, TS Trương Việt Anh, Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu.

Theo PGS, TS Trương Việt Anh, Trưởng Ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư mỗi năm. Đại học Bách khoa Hà Nội cam kết thực hiện phát triển công nghệ bán dẫn (nhiệm vụ từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045), tập trung đào tạo nguồn nhân lực nghiên cứu công nghệ lõi R&D phục vụ xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.

Kế hoạch trung hạn (2024-2030), Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu mạnh về công nghệ bán dẫn trong khu vực, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, tập trung phát triển các công nghệ lõi về vi mạch và chip bán dẫn.

Đến năm 2030, nghiên cứu phát triển thành công và nội địa hóa thiết kế, chế tạo một số IC và Chip bán dẫn ứng dụng trong các hệ thống thông minh, phát triển nội địa hóa sản phẩm trong công nghiệp bán dẫn trong nước.

Đến năm 2045, Bách khoa Hà Nội là Đại học nghiên cứu phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực chip bán dẫn, góp phần vào phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam để trở thành quốc gia phát triển có thế mạnh trong công nghiệp bán dẫn.

pham-tran-vu-8779jpg-1713371231.jpg

PGS, TS Phạm Trần Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu.

Còn theo PGS, TS Phạm Trần Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nhược điểm của nguồn nhân lực bán dẫn hiện nay là do hầu hết công ty làm về kiểm tra và thiết kế vật lý vi mạch, đang cần tuyển nhiều kỹ sư thiết kế vi mạch nên kỹ sư Việt Nam chỉ giỏi trong một công đoạn thiết kế, thiếu những kỹ sư trưởng, có khả năng thiết kế hoàn chỉnh một con chip.

Việt Nam cần nhiều kỹ sư thiết kế, đóng gói và kiểm tra vi mạch giàu kinh nghiệm, cần thành lập nhiều công ty vi thiết kế vi mạch của Việt Nam, thương mại hóa các vi mạch được thiết kế tại Việt Nam, bởi kỹ sư Việt Nam.

PGS, TS Phạm Trần Vũ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Hiện nay hầu như không có sự hợp tác nghiên cứu hay chuyển giao công nghệ giữa công ty và trường đại học, cũng như có rất ít công ty khởi nghiệp của Việt Nam về thiết kế vi mạch.

Về hiện trạng đào tạo ngành vi mạch bán dẫn, hiện tại số trường đại học còn ít, chủ yếu là các trường đào tạo thiết kế vi mạch ở các ngành: điện tử - viễn thông, kỹ thuật máy tính từ nhiều năm qua, như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (gồm Đại học Bách khoa, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học CNTT), Đại học Đà Nẵng, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh.

Kỹ sư tốt nghiệp ngành điện, điện tử-viễn thông, điều khiển tự động cơ bản đáp ứng được yêu cầu của công đoạn đóng gói và kiểm thử. Tuy nhiên, theo PGS, TS Phạm Trần Vũ, chương trình về đào tạo bán dẫn hiện chưa chuẩn hóa, cập nhật, chưa có mã ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thiết kế vi mạch, hay công nghệ bán dẫn.

Thầy Phạm Trần Vũ còn nêu một số hiện trạng khác như: số trường có năng lực đào tạo đáp ứng yêu cầu còn ít, thiếu giảng viên có kinh nghiệm, thiếu phần mềm thiết kế, phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và nghiên cứu, kỹ sư ra trường chưa đáp ứng nhu cầu của nền công nghiệp bán dẫn.

Theo ông, để có một nền công nghiệp bán dẫn mạnh, Việt Nam cần nhiều kỹ sư thiết kế, đóng gói và kiểm tra vi mạch giàu kinh nghiệm, cần thành lập nhiều công ty vi thiết kế vi mạch của Việt Nam, thương mại hóa các vi mạch được thiết kế tại Việt Nam, bởi kỹ sư Việt Nam.

Kỹ sư Việt Nam cần tham gia sâu vào chuỗi cung ứng bán dẫn thế giới, đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực cấp bách của nền công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam và khu vực. Làm chủ được hoàn toàn quy trình thiết kế các vi mạch phức tạp, thiết kế thành công các vi mạch cho Việt Nam, PGS, TS Phạm Trần Vũ cho hay.

BÀI LIÊN QUAN